(Báo Quảng Ngãi)- Do năng lực của học sinh (HS) còn hạn chế nên để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, các trường THPT ở miền núi chú trọng đến việc củng cố kiến thức cơ bản cho các em; đồng thời bám sát vào định hướng các đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT.
Giúp HS củng cố kiến thức
Với đặc thù chất lượng giáo dục của các trường miền núi không cao so với các huyện đồng bằng, vì vậy nội dung ôn tập của các trường chủ yếu giúp HS hệ thống lại kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Việc tổ chức ôn tập đều dựa trên điều kiện thực tế của từng trường và nhu cầu của HS. Ngoài việc phân luồng HS từ đầu năm học, trong quá trình ôn tập, các trường chỉ đạo giáo viên dựa trên học lực của từng em. Mỗi bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập riêng, tùy vào học lực của HS.
Hiệu trưởng Trường THPT Minh Long Lê Ngọc Đức cho biết: “Nhà trường tổ chức ôn tập cho HS theo đề minh họa. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có trách nhiệm phân loại HS, hướng dẫn các em chọn môn tổ hợp để ôn tập”.
Cô và trò Trường THPT Minh Long trong giờ học. |
Ngoài ra, để hoạt động ôn tập đạt hiệu quả, các trường đều chia các lớp ôn tập theo từng nhóm HS, trong đó chú trọng củng cố kiến thức cho những em có học lực trung bình và yếu. Với những HS thi để xét tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng, thì tổ chức các lớp học riêng theo từng tổ hợp môn xét tuyển.
Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) Nguyễn Thị Thành cho hay: “Ngay từ đầu năm học, trường đã có kế hoạch phụ đạo cho các em ôn thi theo kiểu "cuốn chiếu". Các em học trên lớp đến đâu, chốt kiến thức đến đấy. Giáo viên biên soạn chuyên đề ôn tập theo từng đối tượng học sinh".
Theo thầy giáo Đặng Công Nguyên (dạy Toán, Trường THPT Minh Long), bộ đề minh họa của Bộ GD&ĐT có tính phân loại cao, nên giáo viên phải có phương pháp giảng dạy, ôn tập phù hợp với năng lực của HS.
Xuống phố luyện thi
Học sinh miền núi có học lực trung bình và yếu chiếm tỷ lệ lớn. Do đó, lượng HS tham dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp chiếm đa số. Đối với những HS có nguyện vọng tham gia xét tuyển đại học, thì các trường phân loại để có phương pháp và nội dung ôn tập khác cho phù hợp với năng lực. Thầy giáo Đặng Công Nguyên cho biết thêm: “Đối với những HS tham gia xét tuyển đại học, thì giáo viên giúp các em nâng cao năng lực làm bài, bổ sung kiến thức, đáp ứng cho kỳ thi sắp tới".
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia với mong muốn được bước vào ngưỡng cửa đại học, một số HS ở vùng cao đã xuống tận TP.Quảng Ngãi để học thêm. Em Lê Thị Hân Uyên, lớp 12C1, Trường THPT Minh Long, thổ lộ: “Sau khi học chính khóa trên trường, em cùng một số bạn xuống TP.Quảng Ngãi tìm thầy học thêm. Mặc dù việc đi lại nhiều cũng phần nào ảnh hưởng đến thời gian và sức khỏe, nhưng em luôn cố gắng phân bổ thời gian phù hợp để vừa học chương trình chính khóa, vừa học nâng cao kiến thức, để sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới”.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG