(Baoquangngai.vn) – Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc vào năm học 2020 – 2021, bắt đầu với học sinh lớp 1. Phóng viên Báo Quảng Ngãi điện tử đã cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu về công tác chuẩn bị các điều kiện cho chương trình trên địa bàn tỉnh.
|
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu.
|
PV:
Thưa ông! Xin ông cho biết khái quát về Chương trình GDPT mới sẽ được triển khai trong năm học 2020 - 2021?
Ông ĐỖ VĂN PHU: Bộ GD&ĐT đã công bố nội dung của Chương trình GDPT mới và trong quý 1/2019, Bộ sẽ công bố và hoàn thiện danh mục thiết bị cho chương trình đổi mới sách giáo khoa.
Nét mới của chương trình GDPT mới định hướng rõ phát triển năng lực học sinh, nghĩa là học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có khả năng tự tạo việc làm, có thể học nghề, tự khởi nghiệp tạo việc làm cho bản thân.
Lâu nay, chương trình GDPT của chúng ta theo yêu cầu người học tiếp thu kiến thức, không có định hướng phát triển năng lực cho học sinh thì chương trình mới giúp cho học sinh có khả năng nắm bắt thực tế ngoài học lý thuyết trên lớp.
Thời lượng học thực tế ngang bằng với thời lượng môn học có số giờ cao nhất. Ví dụ như môn Toán có thời lượng là 135 giờ thì thời lượng cho học sinh học thực tế cũng có thời lượng 135 giờ.
Để đáp ứng yêu cầu của chương trình, quan trọng nhất là chuẩn bị cơ sở vật chất, khả năng điều kiện để học sinh thâm nhập vào thực tế, tìm hiểu để phát huy được năng lực của bản thân.
Từ đó, giúp học sinh có vốn kiến thức, kinh nghiệm để khởi nghiệp, tự tạo nghề nghiệp cho bản thân, không nhất thiết, học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng vào đại học ngay. Các em có thể tự lập nghiệp sau đó tiếp tục việc học.
PV:
Vậy ngành đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới?
Ông ĐỖ VĂN PHU: Theo thống kê, cơ sở vất chất để bắt đầu chương trình với học sinh lớp 1 ngay từ năm học 2020 - 2021 đáp ứng được 70% số phòng học, diện tích tương đối, thiếu số phòng học cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày.
Vấn đề nan giải là số lượng giáo viên dạy 2 buổi/ngày. Muốn đáp ứng đủ giáo viên phải tuyển dụng thêm giáo viên bậc TH, còn giáo viên bậc THCS và PHPT cơ bản không thay đổi gì.
Tuy nhiên một số môn vẫn thiếu giáo viên, một số môn lại thừa giáo viên. Định hướng của Bộ là đào tạo lại để giáo viên dạy tích hợp khoa học tư nhiên và khoa học xã hội.
Sẽ phân loại, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho Chương trình GDPT mới.
|
Lâu nay, giáo viên dạy THCS được đào tạo dạy 2 môn, giáo viên dạy THPT được đào tạo dạy 1 môn. Muốn dạy được tích hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội phải đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên. Do đó, Bộ sẽ chỉ định các trường đại học đào tạo lại, cấp chứng chỉ để giáo viên dạy được môn tích hợp.
PV:
Thưa ông! Trong chương trình GDPT mới có chương trình giáo dục địa phương với thời lượng 20% do các Sở GD&ĐT tự biên soạn. Vậy ngành đã chuẩn bị cho chương trình này như thế nào?
Ông ĐỖ VĂN PHU: Hiện nay, Bộ GD&ĐT chưa hướng dẫn nhưng ngành có nền tảng là đã biên soạn sách giáo khoa về địa lý, lịch sử địa phương. Vì thế, việc biên soạn lại chương trình giáo dục địa phương với thời lượng 20% cũng đơn giản hơn.
Với chương trình giáo dục địa phương về các ngành nghề thủ công của từng địa phương chưa có trong sách, muốn viết lại người biên soạn phải đi học nghề này mới biên soạn được sách.
Sở đã chỉ đạo đội ngũ biên soạn chương trình này chuẩn bị sẵn sàng, sau khi Bộ có văn bản hướng dẫn, Sở sẽ trình UBND tỉnh để đảm bảo phí bắt tay vào ngay soạn thảo ngay để gửi về Bộ thẩm định.
PV:
Như ông đã đề cập, trở ngại lớn nhất để thực hiện được chương trình GDPT mới hiện nay là thiếu giáo viên và đào tạo lại giáo viên để dạy tích hợp. Vậy ngành có giải pháp gì để đảm bảo chương trình được triển khai đúng kế hoạch?
Ông ĐỖ VĂN PHU: Theo thông báo của Sở Nội vụ sẽ cho tuyển giáo viên còn thiếu ở các địa phương, chủ yếu thiếu giáo viên bậc TH. Trước mắt nếu thực hiện trong trường hợp thiếu giáo viên thì phải sử dụng giáo viên hiện có ở bậc TH đảm bảo đáp ứng cho lớp 1 thực hiện thay sách đầu tiên.
Nan giải nhất là đội ngũ giáo viên lâu nay được đào tạo theo hình thức thụ động, học trong trường cũng thụ động ra trường truyền đạt lại lại học sinh tiếp thu cũng theo hình thức thụ động.
Việc thay đổi là cực kỳ khó, thay đổi nhận thức, khả năng từ nhận thức đến hành động là một khoảng cách. Nhiều giáo viên dạy lâu năm cũng như trí nhớ hằn lên nếp nhăn sâu, nên để thay đổi là cực kỳ khó.
Trong thời gian tới, ngành xác định rõ cho giáo viên về nhận thức tự học tập tự thay đổi. Những giáo viên nếu lớn tuổi hoặc không muốn thay đổi có thể xin nghỉ chế độ. Những giáo viên còn trẻ, còn đủ khả năng thay đổi, còn ham muốn học hỏi, có nguyện vọng tiếp tục làm việc trong ngành sẽ được đưa đi đào tạo bồi dưỡng tiếp tục cống hiến trong ngành.
Cái này cũng rất khó về mặt tâm tư tình cảm, nhưng phải quyết tâm thực hiện. Hiện nay ngành đang chỉ đạo các huyện rà soát toàn bộ đội ngũ, tâm tư nguyện vọng, chuẩn bị đội ngũ để đưa đi bồi dưỡng. Khi có chỉ đạo của Bộ, Sở sẽ gửi đi đào tạo ngay.
Bộ có xu hướng đào tạo theo hình thức đào tạo cán bộ nguồn. Những cán bộ nguồn không đứng lớp giảng dạy mà chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho giáo viên. Bộ tổ chức đào tạo trên mạng trực tuyến, giáo viên tự học trực tuyến, sẽ được kiểm tra, đánh giá.
Cán bộ nguồn hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình học tập. Nếu thực hiện theo hình thức bồi dưỡng qua lại sẽ dẫn đến “tam sao thất bản”, qua nhiều người đến người thực hiện cụ thể, đại trà chất lượng sẽ kém.
Học trực tuyến, giáo viên có gì chưa rõ sẽ cán bộ nguồn hướng dẫn ngay tại buổi học và sẽ làm bài kiểm tra đánh giá. Giáo viên đủ khả năng mới cho giảng dạy. Nếu qua vài lần kiểm tra, giáo viên không đạt sẽ cho nghỉ đứng lớp. Đó cũng là hình thức phân loại giáo viên, sắp xếp lại đội ngũ trong ngành.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: A.KIỀU