(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hút học sinh đến lớp sau Tết. Trong đó, ngoài việc đến nhà vận động, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động thu hút học sinh đến trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại huyện Ba Tơ, Trường THPT Phạm Kiệt đã tổ chức các hoạt động mang tính tập thể. Trước Tết, Đoàn trường có phong trào nuôi heo đất lấy tiền hỗ trợ các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những suất quà của các thầy cô giáo tặng những em có hoàn cảnh khó khăn. Nghỉ Tết xong nhà trường ổn định hoạt động dạy và học.
Đặc biệt, ngoài việc phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp trước và sau Tết, nhà trường cũng tổ chức giải bóng đá nam nữ và một số trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, nhằm thu hút học sinh đến trường. Nhờ vậy, số học sinh nghỉ học sau Tết đã giảm đáng kể.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT kiểm tra tình hình học sinh đi học sau Tết tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ). |
Em Phạm Thị Câng, lớp 11A, Trường THPT Phạm Kiệt, nhà ở tận xã Ba Tiêu, nhưng em vẫn tích cực đi học sau Tết. Câng phấn khởi: "Em muốn đến trường sớm để theo kịp chương trình. Hơn nữa, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, nên em rất thích. Ngoài em ra thì 5 bạn trong lớp ở cùng thôn với em cũng đã đi học trở lại".
Nếu như ngày đầu tiên sau Tết, toàn trường vắng 70 em, thì đến ngày 14.2 chỉ còn 46 em vắng. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thành cho hay: “Nhà trường quán triệt giáo viên chủ nhiệm cùng các thầy cô giáo nắm danh sách để gửi địa phương phối hợp vận động, hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học sau Tết”.
Sau khi kiểm tra tại các địa phương cho thấy tình trạng học sinh bỏ học sau Tết đã giảm đáng kể. Đối với các cơ sở giáo dục vẫn còn học sinh vắng mặt, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục đến lớp.
|
Cũng với cách làm trên, Trường THPT Minh Long đã vận động gần như toàn bộ học sinh đến trường trong tuần ra lớp đầu tiên. Hiệu trưởng nhà trường Lê Ngọc Đức thổ lộ: Học sinh miền núi rất thích các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nên ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Toàn trường có 410 học sinh, trong ngày đầu tiên vắng 27 em, thì đến ngày 14.2 chỉ còn 2 em vắng.
Không chỉ các thầy cô giáo cùng chính quyền địa phương mà cả học sinh cùng lớp cũng đến nhà vận động bạn đến lớp. Đây cũng là cách làm hay của Trường THPT Phạm Kiệt. Bởi khi học sinh trực tiếp đi vận động, thì các em sẽ có hứng thú để đến lớp gặp bạn bè.
Em Võ Thị Thu Ba, lớp 11C, Trường THPT Phạm Kiệt chia sẻ: “Lớp em đã tổ chức các hoạt động để vận động các bạn đến lớp. Khi đến tận nhà, chúng em mới hiểu được nguyên nhân các bạn chưa đi học lại. Trong đó, nhiều bạn ở xa, đường đi lại khó khăn nên ngại đến trường; một số em phải đi làm để phụ giúp ba mẹ. Mỗi khi vận động được bạn nào trở lại lớp là em cảm thấy rất vui, vì đã làm được việc có ý nghĩa”.
Hầu hết các trường đã tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các giải thể thao tập thể để thu hút học sinh đến lớp. Bên cạnh đó, nhiều trường cũng tổ chức Tết ngay tại trường với các hoạt động gói các loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức các trò chơi dân gian có thưởng, để thu hút học sinh đến trường.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG