(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, người ta hay nói tình trạng giáo dục ở Việt Nam là “thừa thầy thiếu thợ”. Câu nói ấy chưa chính xác. Thực ra, Việt Nam hiện tại không có tình trạng "thừa thầy”, vì để đào tạo được một người thầy đúng nghĩa, không hề đơn giản. Nhưng nói Việt Nam đang “thiếu thợ” thì đúng, dù chưa trọn nghĩa. Ấy là vì chúng ta đang “thiếu thợ lành nghề”, chứ không phải thiếu thợ chung chung.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lâu nay, người ta hay nói tình trạng giáo dục ở Việt Nam là “thừa thầy thiếu thợ”. Câu nói ấy chưa chính xác. Thực ra, Việt Nam hiện tại không có tình trạng "thừa thầy”, vì để đào tạo được một người thầy đúng nghĩa, không hề đơn giản. Nhưng nói Việt Nam đang “thiếu thợ” thì đúng, dù chưa trọn nghĩa. Ấy là vì chúng ta đang “thiếu thợ lành nghề”, chứ không phải thiếu thợ chung chung.
Việc các trường đại học hằng năm cho ra lò hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp và trong số đó có nhiều em "thất nghiệp" là một sự thật đau lòng. Trong khi các doanh nghiệp lại phàn nàn là họ không tuyển dụng được lao động theo đúng yêu cầu phục vụ cho sản xuất.
Cách đây vài năm, trong một buổi hội thảo, đã có diễn giả dẫn lại một chuyện thật như đùa, khi kể có doanh nghiệp nước ngoài nói rằng, họ phải mất 2 năm để tẩy sạch những gì sinh viên đã học, sau đấy thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà họ cần.
Chúng ta hiện có khoảng 2.500 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Lẽ ra đó phải là “lò” đào tạo nguồn nhân lực đủ cung ứng cho các doanh nghiệp, cả trong nước và FDI. Nhưng trong thực tế, nhiều sinh viên khi tốt nghiệp ở một số trường đại học không thể tìm ra việc làm, còn doanh nghiệp thì không tìm được nhân lực đúng yêu cầu.
Hiện nay, một số sinh viên tốt nghiệp đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ, phải giấu bằng để xin vào học các trường nghề là có thật. Có thể điều đó chưa quá phổ biến, nhưng khi có hiện tượng ấy xảy ra, thì phải xem lại cung cách giáo dục đại học của chúng ta. Trong một cuộc hội thảo một đại biểu đã nói: “Tôi cho rằng, chúng ta đang đào tạo điều nhà trường có, chưa phải đào tạo điều thị trường lao động cần”.
Dẫu vậy, hiện nay vẫn có những tín hiệu đáng mừng cho cơ cấu giáo dục Việt Nam, đó là sau khi tốt nghiệp THPT, một số học sinh đã chuyển sang học nghề, không còn tình trạng phải vào đại học cho bằng được như trước đây.
Tuy nhiên, điều mà cả xã hội đang lo là, liệu trong số 2.000 trường dạy nghề của cả nước thì có bao nhiêu trường “đào tạo được điều thị trường lao động cần?” Thực tế thì chưa có con số tổng kết trả lời câu hỏi này.
Nhưng ở Quảng Ngãi, ít nhất đã có một trường dạy nghề cỡ lớn trả lời được câu hỏi này. Đó là Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Trong lễ khai giảng niên học 2018-2019 và lễ tốt nghiệp cho sinh viên của trường, lãnh đạo nhà trường đã cam kết: “Trường đào tạo gắn với việc làm cho người học sau tốt nghiệp; 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm và làm được việc ngay”. Thậm chí, nhà trường còn cam kết, nếu sinh viên nào tốt nghiệp từ trường mà không có việc làm, trường sẽ hoàn trả hoàn toàn học phí đào tạo.
Năm 2019, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất triển khai đào tạo 2 nghề đạt trình độ quốc tế (Vận hành thiết bị chế biến dầu khí, Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí) từ chương trình của Đức. Sinh viên tốt nghiệp được cấp 2 bằng của Việt Nam và của Đức.
Ngành nghề đào tạo và bằng cấp chuẩn như vậy, làm gì không xin được việc làm? Nhưng phải nói thật, những trường dạy nghề được như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất hiện còn quá hiếm ở nước ta. Gắn kết với doanh nghiệp trong mục tiêu đào tạo, nhưng chất lượng đào tạo lại phụ thuộc vào nhà trường. Gắn kết với doanh nghiệp chỉ là một nửa của mục tiêu đào tạo, chất lượng đào tạo chính là nửa còn lại.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta có nhiều trường dạy nghề được như Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất, thì sự dịch chuyển của học sinh về hướng chọn trường dạy nghề, thay vì chọn trường đại học, sẽ tăng lên trong tương lai rất gần.
Chẳng phải đó là điều nền giáo dục chúng ta đang mong mỏi sao?
THANH THẢO