(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) với nhiều điểm mới, trong đó có nhấn mạnh việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, địa phương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình GDPT mới đáp ứng các yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung GDPT theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.
Đối với mỗi môn học, việc lựa chọn, sắp xếp nội dung giáo dục bảo đảm sự tinh giản, gắn với thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc thực thi các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) trong giờ học. |
Cụ thể, nội dung giáo dục ở bậc tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày. Mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học 35 phút. Nội dung giáo dục bậc THCS là 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày. Mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Nội dung giáo dục bậc THPT gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày...
Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: Trong Chương trình GDPT mới, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT không quy định số tiết dành cho mỗi môn trong một tuần như các chương trình khác, mà dành quyền chủ động cho ban giám hiệu. Bộ chỉ quy định số tiết của môn học trong năm, còn việc bố trí thế nào là do các đơn vị giáo dục chủ động thực hiện.
Bên cạnh đó, Chương trình GDPT mới cũng dành thời lượng 245 tiết từ lớp 6 đến lớp 12 để thực hiện nội dung giáo dục địa phương (GDĐP). Nội dung này do UBND tỉnh quyết định; đồng thời tổ chức, xây dựng, thẩm định tài liệu GDĐP. Trước đây, Bộ hay gán nội dung GDĐP cho từng môn học, nhưng nay GDĐP có vị trí như một môn học. Qua đó giúp các em hiểu biết để sẵn sàng tham gia cuộc sống lao động, xây dựng, phát triển ở địa phương.
Chương trình GDPT mới giao quyền tự chủ rất lớn cho các đơn vị trường học. Vì vậy, điều mà xã hội quan tâm là làm thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục đồng điều giữa các vùng miền. Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Chương trình GDPT mới không chủ trương thực hiện nền giáo dục bình quân, cào bằng, mà tạo điều kiện để một mặt bảo đảm thống nhất yêu cầu nền tảng đối với học sinh cả nước về kiến thức, năng lực; đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục, các địa phương có điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển giáo dục. C
hính vì vậy, Chương trình GDPT mới giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, các địa phương rất nhiều. “Để chuẩn bị cho những đổi mới, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn các trường phát triển chương trình nhà trường để giáo viên, các trường có đủ năng lực thiết kế đáp ứng chương trình đổi mới”, GS Thuyết nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG