Trăn trở giáo dục miền núi (Kỳ 1)

08:12, 20/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, chính quyền các cấp và ngành giáo dục Quảng Ngãi đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân, do công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường chưa đồng bộ, đặc biệt là việc triển khai xây dựng mô hình trường học bán trú và nhà công vụ cho giáo viên...

TIN LIÊN QUAN

 

 Kỳ 1: Khi giáo viên "ăn nhờ, ở tạm"


Đến thăm nơi ở của các thầy, cô giáo dưới xuôi lên công tác ở miền núi trong những ngày mùa đông, không một ai khỏi xót xa khi phải chứng kiến cảnh giáo viên ăn ở trong những căn phòng tạm bợ, ẩm thấp. Dù vậy, họ vẫn miệt mài lên lớp giảng dạy, với mong muốn mở ra một tương lai tươi sáng cho học sinh vùng cao...


Chỉ mong có chỗ ngả lưng

Con đường từ thị trấn Ba Tơ dẫn về Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) Bán trú TH&THCS Ba Trang dù đã bê tông, nhưng những ngày qua do mưa lớn đã làm sạt lở hàng trăm mét khối đất đá, gây ách tắc giao thông. Vì thế, để đến với thầy và trò ở ngôi trường vùng cao này, chúng tôi phải mất hơn một giờ đồng hồ.

Nhà công vụ của Trường TH&THCS Ba Khâm (Ba Tơ) xây dựng cách đây hàng chục năm, nên đã xuống cấp.
Nhà công vụ của Trường TH&THCS Ba Khâm (Ba Tơ) xây dựng cách đây hàng chục năm, nên đã xuống cấp.


Trường có 32 cán bộ, giáo viên, nhân viên, phần lớn đều ở các huyện đồng bằng trong tỉnh lên đây công tác, nên phải ở lại trường đến cuối tuần mới về. Với số lượng cán bộ, giáo viên đông như vậy, nhưng trường chỉ có 2 phòng công vụ khoảng 50m2 và 1 phòng ăn cũng được tận dụng làm nhà công vụ. Không những thế, vào những thời điểm mưa lũ gây tắc đường, các thầy cô còn phải tận dụng cả nhà hiệu bộ để ở, nên rất bất tiện trong sinh hoạt cũng như làm việc. Thầy Võ Ngọc Quê chia sẻ: “Nhà tôi ở tận xã Phổ Minh (Đức Phổ), nên thường xuyên ở lại trường, đến cuối tuần mới về nhà một lần. Có khi mưa lũ, hoặc nhà trường có công việc, anh em giáo viên ở lại nửa tháng mới về".
 

“Phòng ở chật chội. Mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì dột. Buổi tối, các thầy cô giáo phải lên phòng học của học sinh để soạn bài”.

Thầy giáo NGUYỄN CÔNG HỘP,
giáo viên Trường TH&THCS Ba Khâm

Được biết, hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường có nhà ở xa nơi dạy, nên đều ở lại trường. Dù gặp nhiều khó khăn về chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, các thầy, cô giáo đều nở nụ cười rất tươi. Họ cho rằng, hạnh phúc của người giáo viên vùng cao là hằng ngày được nhìn thấy học sinh đến trường đông đủ, không em nào bỏ học giữa chừng. "Chúng tôi cũng muốn có chỗ ở khang trang lắm chứ, nhưng khi chưa được đầu tư thì ở chỗ nào cũng được, miễn sao có chỗ nghỉ lưng qua đêm là được", thầy Quê bộc bạch.

Không chỉ khó khăn về chỗ ở, mà những nhu cầu thiết yếu của giáo viên Trường PTDT Bán trú TH&THCS Ba Trang cũng không đảm bảo. Các thầy, cô giáo phải tận dụng bàn ghế học sinh để làm bàn ăn, bàn làm việc, và có khi là chỗ để nghỉ trưa khi có nhiều giáo viên ở lại. Vào những ngày mưa gió vừa qua, mấy chục con người tá túc trong ba phòng ở chưa đầy 60m2 , nhưng còn bị mưa dột, ẩm ướt, nên mọi sinh hoạt rất bất tiện, nhất là đối với những cô giáo có con nhỏ. Thực trạng đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lên lớp của các thầy, cô giáo.

Còn Trường TH&THCS Ba Khâm, có 23 cán bộ, giáo viên, trong đó có hơn 2/3 số người có nhu cầu ở lại. Tuy nhiên, hiện nay trường chỉ có 5 phòng ở cho giáo viên. Mới đây, các thầy, cô giáo ở đây cũng phải nhường 2 phòng ở cho học sinh bán trú, vì nhà các em ở xa, không thể đi về, nhất là vào mùa mưa.

Vừa thiếu, vừa tạm bợ, xuống cấp

Hiện nay, hầu hết các trường ở các huyện miền núi trong tỉnh, không những thiếu nhà công vụ cho giáo viên, mà nhiều nơi giáo viên phải ở trong những căn phòng đã xây dựng hàng chục năm nay, nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Một giáo viên dạy ở huyện Ba Tơ lo lắng: "Mỗi lần đến mùa mưa, bão, anh em giáo viên ăn không ngon, ngủ không yên, vì căn phòng có thể sập bất cứ lúc nào".

Trường PTDT Bán trú TH&THCS Ba Trang (Ba Tơ) tận dụng nhà ăn làm phòng ở cho giáo viên.
Trường PTDT Bán trú TH&THCS Ba Trang (Ba Tơ) tận dụng nhà ăn làm phòng ở cho giáo viên.


Thật vậy, đến thăm một số nhà bán trú của giáo viên ở miền núi, chúng tôi nhận thấy, các phòng đều hư hỏng, dột nát, tường, sàn ẩm mốc... Sau trận mưa đầu tháng 10 vừa qua, sàn nhà công vụ và phòng ở của học sinh bán trú Trường TH&THCS Ba Khâm ướt nhẹp. Để có chỗ nghỉ qua đêm, thầy cô giáo, học sinh phải thay phiên nhau lau, nhưng vẫn không sao ngủ được. Thầy giáo Phạm Văn Tân, dạy môn thể dục bộc bạch: “So với trước đây thì điều kiện dạy và học ở các trường miền núi trong tỉnh nói chung, huyện Ba Tơ nói riêng đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, học sinh và giáo viên miền núi vẫn còn bộn bề khó khăn, nhất là chỗ ở”.

Thầy Tân cho biết thêm, trường có 5 phòng công vụ xây trước năm 2006. Đến nay mái đã dột, tường ẩm mốc, máng thấm nước, nhà vệ sinh hư hỏng nặng. Với số lượng người ở “vượt thiết kế", cộng với môi trường sinh hoạt chật chội, ẩm thấp, nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và công tác giảng dạy của giáo viên.

Rời huyện Ba Tơ, chúng tôi đến Trường PTDT Bán trú TH&THCS Trà Trung (Tây Trà). Trường hiện có 5 phòng công vụ làm năm 2011, nhưng do xây trên nền đất không ổn định, nên hiện tại các phòng đã xuống móng, gây nứt tường, uy hiếp đến tính mạng cán bộ, giáo viên, nhất là khi trời mưa kết hợp có gió. "UBND huyện Tây Trà đã có công văn không cho giáo viên ở lại trong nhà công vụ này, nhưng vì trường không bố trí được chỗ ở nào khác, nên giáo viên vẫn phải ở tạm trong những căn phòng này”, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Nguyễn Hữu Duy nói.

Cũng theo ông Duy, hiện bậc học mầm non và các trường tiểu học Trà Phong 2, Trà Nham, Trà Lãnh, Trà Thanh và Trà Quân vẫn chưa có nhà công vụ cho giáo viên. Riêng Trường PTDT Bán trú THCS Trà Xinh đã dành nguồn kinh phí làm phòng ở tạm bợ cho giáo viên. Những trường còn lại tuy có nhà công vụ, nhưng do xây dựng cách dây khá lâu, nên nay cũng đã xuống cấp, gây nhiều lo lắng cho cán bộ, giáo viên, nhất là vào mùa mưa lũ. Đây cũng là thực trạng chung ở huyện Trà Bồng, Sơn Tây và Sơn Hà.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


------------

Kỳ 2: Bất cập mô hình trường bán trú







 


.