(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Bùi Thị Nhạn (Trường THPT số 2 Đức Phổ) đã chứng kiến nhiều học sinh học tập giảm sút, có em phải nghỉ học, do ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ). Với tình thương và trách nhiệm của một giáo viên, cô Nhạn đã tìm đến với các em để động viên, chia sẻ, giúp các em tiếp tục đến trường.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ vừa qua, cô giáo Bùi Thị Nhạn được UBND tỉnh tặng Bằng khen, vì có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống BLGĐ. Cô Nhạn xúc động kể: “BLGĐ luôn để lại nhiều tổn thương cho các em trong lứa tuổi học sinh. Vì thế, trong những năm qua, tôi luôn trăn trở tìm cách để giúp các em học sinh không may có hoàn cảnh gia đình như thế vượt qua những cú sốc để tiếp tục đến trường”.
Cô giáo Bùi Thị Nhạn (thứ 3 từ trái qua) nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. |
Học sinh ở Trường THPT số 2 Đức Phổ đa phần có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Với cô Nhạn, dạy chữ luôn đi đôi với dạy người, nên cô thường tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh để có hướng giúp đỡ. Những em có biểu hiện muốn bỏ học, hoặc học lực giảm sút cô không vội trách cứ các em, mà luôn tìm hiểu nguyên nhân. “Em thì có hoàn cảnh gia đình không hòa thuận, em thì bị bố mẹ áp đặt việc học, bố mẹ chia tay nhau... dẫn đến các em không còn tâm trí để theo học”, cô Nhạn chia sẻ.
Tùy theo từng hoàn cảnh của học sinh, mà cô Nhạn tìm cách để giúp đỡ các em. Đối với học sinh có cha mẹ bất hòa, cô Nhạn đã gặp trực tiếp học sinh và phụ huynh để có lời khuyên giải; với học sinh bỏ học vì gia đình khó khăn thì cô vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho các em; với học sinh cá biệt thì cô phân tích những điều hay, lẽ phải để các em phấn đấu vươn lên trong học tập... Cô Nhạn nhớ lại: “Cách đây 3 năm, có một học sinh ở xã Phổ Thạnh thường xuyên bỏ nhà đi chơi đêm, không lo việc học. Hơn 22 giờ đêm, phụ huynh của em này điện thoại nhờ khuyên can. Nghe thế, tôi liền chạy xe máy đến gia đình để tìm hiểu và động viên em. Thấy được tình thương yêu của giáo viên, nhà trường và cha mẹ, em học sinh này đã gắng sức học tập trở lại”.
Nhiều học sinh được cô giáo Nhạn khuyên giải, bây giờ đã vào các trường đại học, cao đẳng và trưởng thành trong cuộc sống. Điều đó đã động viên cô Nhạn tiếp tục giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh gia đình "đặt biệt" tiếp tục đến trường. Cô Nhạn chia sẻ: Trong quá trình giảng dạy, sinh hoạt lớp, họp phụ huynh học sinh, tôi luôn lồng ghép phổ biến kiến thức về phòng, chống BLGĐ.
Ngoài ra, cô Nhạn còn chia sẻ phương pháp giảng dạy cho giáo viên dạy các môn Giáo dục công dân, Lịch sử... trong việc lồng ghép phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ vào trong các tiết dạy. Từ việc làm của cô Nhạn, Trường THPT số 2 Đức Phổ cũng đã phổ biến cho học sinh toàn trường về những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống BLGĐ trong các tiết chào cờ, tổ chức thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ.
Bài, ảnh: MAI HẠ