(Báo Quảng Ngãi)- Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là mục tiêu quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy, ngành giáo dục Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả khả quan, cơ sở vật chất được tập trung đầu tư, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chủ động thực hiện việc đổi mới
Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và Chương trình hành động số 51 của Tỉnh ủy, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trong toàn ngành. Sau 5 năm thực hiện, ngành giáo dục Quảng Ngãi đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi đạt 100%; duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh. |
Chất lượng giáo dục trong toàn ngành từng bước được củng cố và có bước phát triển vững chắc, toàn diện hơn. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi, hạnh kiểm tốt năm sau tăng hơn so với năm trước. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm tăng đáng kể. Mạng lưới trường, lớp học được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên từ bậc học mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện của công tác giáo dục...
Trên cơ sở thực hiện khung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; giao quyền cho hiệu trưởng linh hoạt, bổ sung các nội dung giáo dục có tính tích hợp; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo; tăng thời gian thực hành, trải nghiệm và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành nhấn mạnh: Chuyển biến rõ nét nhất sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 là chuyển từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
“Trong 2 năm trở lại đây, nhà trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện Nghị quyết 29. Trường đã chủ động mua sắm trang thiết bị dạy học cần thiết; đổi mới phương pháp dạy học thông qua hình thức học theo nhóm để học sinh mạnh dạn, tự tin trình bày ý tưởng của mình. Khi học sinh được phát huy phẩm chất, năng lực, thì chất lượng giáo dục cũng sẽ được nâng lên”, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Trần Quang Hồng chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Phổ Huỳnh Thị Thùy Trâm cho biết: Nhà trường thực hiện đánh giá học sinh trong suốt quá trình học, chứ không tập trung đánh giá vào cuối học kỳ; học sinh, phụ huynh cũng được tham gia đánh giá. Do đó, việc đánh giá học sinh được toàn diện và khách quan hơn.
Xác định mục tiêu đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm, tỉnh ta đã có nhiều chỉ đạo trong công tác đào tạo nghề nghiệp. Số người có nhu cầu và đăng ký học nghề tăng qua các năm và sau khi học nghề có việc làm đạt trên 80%. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Đức Phổ Hoàng Hải chia sẻ: “Trung tâm luôn đặt vấn đề chất lượng đào tạo nghề lên hàng đầu. Tập trung đào tạo theo nhu cầu thực tế và gắn lý thuyết với thực hành. Có như thế, người học mới đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi ra trường. Từ đó các em tin tưởng theo học nghề tại trung tâm”.
"Sáng 21.12, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đây là Hội thảo khoa học đầu tiên về GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi sau 29 năm tái lập tỉnh (1989-2018) và Quảng Ngãi cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức hội thảo về thực hiện Nghị quyết 29. Hội thảo nhằm mục đích nhìn nhận, đánh giá, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức dạy và học kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Từ đó, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài cho từng mục tiêu phát triển của GD&ĐT tỉnh nhà".
|
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Đó là, công tác nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn vẫn còn đang là thách thức lớn đối với ngành GD&ĐT Quảng Ngãi. Tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, một số trường còn thiếu về trang thiết bị dạy học, phòng học, nhất là đối với các huyện miền núi chưa được khắc phục. Đội ngũ giáo viên đứng lớp còn thiếu; chất lượng giáo dục miền núi chưa bền vững. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa bắt kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục, chưa tích cực trong tự học tập, tự nghiên cứu, cập nhật thông tin...
Các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhằm giảm những áp lực cho học sinh. |
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho rằng: Việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi nỗ lực to lớn và sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. Ðể tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát phát triển của tỉnh, ngành giáo dục và chính quyền các cấp cần coi trọng công tác truyền thông, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới GD&ĐT.
Đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT, tăng cường phân cấp quản lý và nâng cao năng lực quản lý ở các cơ sở giáo dục; sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất, lối sống, tác phong mẫu mực của nhà giáo, năng lực, chất lượng, trình độ chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành GD&ĐT Quảng Ngãi tiếp tục có sự phát triển mới. Chuyển biến rõ nét nhất sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29 là chuyển từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức sang tập trung dạy học, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cho phù hợp với tình hình của địa phương. Trong đó, chú trọng xây dựng trường chuẩn quốc gia có chất lượng. Đầu tư cơ sở vật chất để thực hiện tốt việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa mới. Đối với ngành giáo dục sẽ có sự đổi mới về quản trị trường học, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG