(Baoquangngai.vn) - Nghề cấp dưỡng ở các trường mầm non tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế rất vất vả, nhọc nhằn. Một ngày họ làm việc từ sáng sớm đến chiều, đổi lại đồng lương hợp đồng vẫn còn quá thấp.
TIN LIÊN QUAN
Làm việc không ngơi tay
Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) mới thấy được nỗi nhọc nhằn của những người làm công việc cấp dưỡng. Mới hơn 8 giờ sáng, bếp ăn đã lên lò. Bên ngoài khu vực sơ chế, các cô luôn tay, người thái thịt, người vo gạo, người hái rau, người lau chùi bếp núc.
Để chuẩn bị bữa ăn trưa cho gần 350 trẻ, hằng ngày, 7 cấp dưỡng đều bắt đầu công việc của mình từ lúc 7 giờ sáng. Việc đầu tiên là quét dọn, lau chùi khu vực bếp, đun nước sôi, xay thịt, hầm xương, làm cá, chiên cá, thái, nhặt rửa rau, củ quả, nấu cơm, nấu canh, chế biến các món ăn mặn….
Bữa ăn trưa cho trẻ được chia phần đâu vào đấy, đúng 10 giờ trưa, các chị đẩy xe thức ăn đến từng lớp học, bê xô cơm, thức ăn đến tận bàn ăn cho cô giáo cho các cháu ăn. Vì các cháu mầm non nên ăn rất chậm, thường bữa ăn kéo dài đến hơn 11 giờ.
Sau khi các cháu ăn xong, các chị thu dọn chén, bác, xoong nồi về khu bếp, ăn vội bữa trưa rồi dọn rửa đâu vào đấy mới ngả lưng chừng vài chục phút lại tất bật lo bữa ăn xế cho các cháu.
Một ngày làm việc của cấp dưỡng mầm non quần quật, không ngơi tay. |
Xong bữa xế, cấp dưỡng lại tiếp tục dọn rửa chén bát, đồ dùng nhà bếp, lau chùi bếp, sàn nhà, tủ thức ăn, nhà vệ sinh, thu gom rác đến 4 giờ chiều.
Một ngày làm việc của cấp dưỡng vất vả, nặng nhọc, người lúc nào cũng đẫm mồ hôi, nhưng áp lực nhất là đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối bữa ăn cho trẻ từ khâu nhập hàng đến vệ sinh, chế biến”.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, cấp dưỡng Trường Mầm non Nghĩa Hòa chia sẻ: “Cấp dưỡng mầm non vất vả không kém gì các công việc khác, làm việc không ngơi tay. Các công đoạn đều phải làm việc chu đáo, đảm bảo bữa ăn ngon, chất lượng, an toàn cho trẻ”.
Ở những trường mầm non có tổ chức bữa ăn sáng cho trẻ, công việc của cấp dưỡng vất vả gấp bội. Một ngày làm việc của cấp dưỡng kéo dài liên tục, cật lực 12 giờ đồng hồ, bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng đến 16 giờ chiều.
Đồng lương bọt bèo
Tốt nghiệp hệ trung cấp kỹ thuật chế biến món ăn, chị Đoàn Thị Mỹ Duyên, cấp dưỡng tại Trường Mầm non Sao Mai, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) gắn bó với công việc này đã 7 năm.
Sáng 6 giờ 30 phút rời khỏi nhà, đến chiều 16 giờ 30 phút về, trưa cũng ở lại trực trưa như giáo viên mầm non, nhưng không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào ngoài đồng lương 1,7 triệu đồng/tháng.
Công việc vất vả từ sáng đến chiều, lương bọt bèo, chị vẫn cố bám trụ với hy vọng sẽ được tuyển dụng chính thức vào biên chế hoặc có chế độ đãi ngộ.
Thiếu cấp dưỡng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. |
“Giờ tìm việc rất khó. Mỗi tháng nhận 1,7 triệu đồng cũng cố gắng gắn bó bao năm qua. Được chút ưu đãi cho cấp dưỡng như tiền trực trưa thì chúng tôi mới yên tâm công tác”- chị Duyên chia sẻ.
Để trở thành một nhân viên cấp dưỡng phải có bằng sơ cấp, trung cấp kỹ thuật chế biến thức ăn. Công việc vất vả, nhọc nhằn, áp lực là thế, nhưng đổi lại đồng lương của cấp dưỡng rất thấp. Đó là thực trạng đáng buồn cho nghề cấp dưỡng ở các trường mầm non từ trước đến nay.
Lương cấp dưỡng được trả theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn là 1 hệ số lương tối thiểu vùng cộng với tiền phụ huynh tùy tâm đóng góp. Hầu hết các trường mầm non ở các huyện, lương cấp dưỡng chỉ dao động từ 1,7 đến 2,3 triệu đồng.
Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai, cô Nguyễn Thị Bích Thiện cho rằng, quy định chế độ đối với cấp dưỡng hiện nay là quá thấp. Mức lương thấp, lại không được hưởng bất cứ chế độ phụ cấp nào, vì vậy, việc hợp đồng cấp dưỡng rất khó khăn.
Có trường tuyển được thì vài tháng họ cũng bỏ việc. Thiếu nhân viên cấp dưỡng, để bữa ăn cho trẻ đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo viên, kể cả ban giám hiệu cũng phải xắn tay vào.
Toàn tỉnh còn thiếu hơn 1.000 nhân viên tại các trường học, chủ yếu nhân viên cấp dưỡng ở các trường mầm non. Công việc vất vả, lương thấp, không mấy ai mặn mà với công việc này.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, đầu năm 2019, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tuyển nhân viên, trong đó có cấp dưỡng bằng hình thức thi hoặc xét tuyển. Hình thức xét tuyển áp dụng với những người hợp đồng đã quen với công việc và có đủ năng lực trình độ theo yêu cầu để đảm bảo chất lượng trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ ở bậc mầm non.
Bài, ảnh: C.P