(Báo Quảng Ngãi)- Tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam- Lào mãi là niềm tự hào của thế hệ trẻ hai dân tộc. Tiếp nối truyền thống đoàn kết hữu nghị đó, Quảng Ngãi đã ký kết chương trình hợp tác giáo dục- đào tạo với các tỉnh kết nghĩa Champasak, Sekong và Attapeu của nước bạn Lào.
Học tiếng Lào để dạy tiếng Việt
Thực hiện chương trình hợp tác giáo dục- đào tạo giữa các bên, 10 năm qua, hàng trăm sinh viên Lào đã theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Quảng Ngãi.
Sinh viên Lào sinh hoạt tại Ký túc xá của Trường Đại học Phạm Văn Đồng. |
Suốt 4 năm theo học tập tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Santy Keoduongdy (sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ thông tin) vẫn không quên những kỷ niệm trong những ngày đầu sang Việt Nam học tập. Thông qua các anh chị đi trước, Santy đã biết nhiều về quê hương Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, em đăng ký qua Việt Nam để học. Lúc đầu, Santy cũng như các bạn sinh viên Lào đều gặp một số khó khăn trong sử dụng tiếng Việt và vấn đề ăn ở, đi lại... Nhưng rồi, được các thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam giúp đỡ, nên chỉ sau một thời gian em đã quen với nền nếp sinh hoạt và học tập trong trường.
"Năm học 2018-2019, ngoài đào tạo theo hiệp định, Trường Đại học Phạm Văn Đồng còn xin chủ trương của UBND tỉnh cho tuyển sinh theo diện tự túc. Dự kiến trong năm học này, trường sẽ đón nhận 100 sinh viên Lào theo học. Trong đó, nhiều nhất là sinh viên đến từ tỉnh Attapeu".
|
Năm 2008, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã cử giảng viên khoa Sư phạm Xã hội sang Champasak học tiếng Lào trong thời gian 9 tháng. Vì vậy, lần đầu tiên trong 10 năm qua, nhà trường đã đảm nhận việc dạy tiếng Việt cho sinh viên Lào trong năm đầu học tập tại Quảng Ngãi.
Cô Huỳnh Thị Ngọc Kiều, tổ Ngữ văn, khoa Sư phạm Xã hội là giảng viên của Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã sang Lào học và đảm nhiệm công tác giúp sinh viên Lào tiếp cận với tiếng Việt trong 5 tuần đầu tiên cho biết: Trong thời gian đầu, giảng viên giúp các em đối sánh giữa tiếng Việt và tiếng Lào, rèn cho các em kỹ năng nghe- nói- đọc- viết. Cụ thể, các thầy cô giúp các em phiên âm, ghép chữ, đọc, ghép câu, làm quen với các bài giao tiếp... đến việc làm quen với phong tục, tập quán của người Việt.
Thêm yêu xứ Quảng
Xa quê hương nên sinh viên nào cũng mang nỗi nhớ nhà. Nhưng sự gần gũi của thầy cô và các bạn Việt Nam đã giúp các em vơi đi phần nào nỗi nhớ quê hương. Hằng năm, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đều tổ chức Tết Lào, triển khai mô hình homestay- mỗi giảng viên sẽ đưa sinh viên của mình về nhà ăn ở, sinh hoạt trong 2 ngày...
Trong khoảng thời gian này, các em được tìm hiểu văn hóa của người Việt nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Các thầy cô giáo đưa các em đi tham quan một số di tích, danh lam thắng cảnh, để các em hiểu hơn về mảnh đất và con người Quảng Ngãi. Autkeo Mingsawat là sinh viên năm 3, khoa Sư phạm Xã hội bày tỏ: "Em thường được các bạn Việt Nam giúp giảng những bài khó. Các bạn rất nhiệt tình và thân thiện. Thỉnh thoảng các bạn còn đưa về nhà thăm chơi và tham gia nấu các món ăn Việt Nam rất ngon".
Trong các hoạt động ngoại khóa, Trường Đại học Phạm Văn Đồng còn tổ chức cho các em đến tham quan Di tích lịch sử Lễ Xuất quân đầu tiên đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, tại thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành)- nơi ghi dấu hình ảnh chiến sĩ cách mạng Việt Nam sẵn sàng lên đường giúp đất nước Lào cách đây 70 năm. Qua đó, giúp các em hiểu được vai trò, ý nghĩa và những hy sinh của quân và dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân các dân tộc Lào anh em...
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG