(Báo Quảng Ngãi)- Đó là mô hình được Tỉnh đoàn triển khai tại các liên đội THCS trên địa bàn tỉnh, nhằm nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thiếu nhi.
Qua hình thức “Giải ô chữ - có quà ngay”, học sinh tìm từ chìa khóa với các nội dung liên quan đến lịch sử Việt Nam, tạo sự cuốn hút, khơi gợi khả năng tư duy, tính logic cho học sinh. Ở TP.Quảng Ngãi, Thành đoàn đã triển khai đến tất cả các trường THCS trên địa bàn.
Các nhóm học sinh tham gia giải ô chữ tại trang tin "Em yêu lịch sử Việt Nam". |
Tại Trường THCS Trần Phú đã lồng ghép mô hình “Em yêu lịch sử Việt Nam” trong giờ chào cờ đầu tuần. Giáo viên Tổng phụ trách đội Trường THCS Trần Phú Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, trường đã thành lập tổ tư vấn mô hình “Em yêu lịch sử Việt Nam”. Định kỳ 2 tuần/số, tổ tư vấn ra các câu hỏi xoay quanh kiến thức lịch sử địa phương và dân tộc thông qua việc giải ô chữ.
Câu hỏi được dán tại bản tin ở góc mô hình “Em yêu lịch sử Việt Nam”, học sinh hoặc nhóm học sinh giải ô chữ vào các giờ ra chơi hoặc các giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp. Ngoài ra, vào những dịp đặc biệt, có thể giải ô chữ hàng dọc, hàng ngang để tìm ra đáp án và tổng kết, trao thưởng cho học sinh.
Ngay trong số đầu tiên, học sinh Trường THCS Trần Phú đã hào hứng trả lời 10 câu hỏi do tổ tư vấn đưa ra, trong đó có 5 câu hỏi lịch sử Việt Nam và 5 câu hỏi lịch sử địa phương, như: Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm ở đâu? Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam là ai?... Em Phan Yến Thy (lớp 6A) thích thú nói: "Thông qua các câu hỏi đã giúp chúng em hệ thống lại những kiến thức đã học. Em mong muốn trường tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, để giúp học sinh học tốt môn lịch sử".
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức xoay quanh bộ môn lịch sử, tổ tư vấn “Em yêu lịch sử Việt Nam” của trường là những thầy, cô giáo dạy bộ môn Lịch sử đã cùng bàn luận và chọn ra những chủ đề hay, thu hút học sinh. Bên cạnh đó, các thầy, cô cũng đưa ra những câu hỏi trong chương trình sách giáo khoa, phù hợp với các khối lớp để các em cùng tham gia trả lời.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Phương- giáo viên dạy môn Lịch sử (Trường THCS Trần Phú), thành viên tổ tư vấn cho biết: "Thành viên trong tổ rất vui khi học trò tham gia sôi nổi. Tổ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra những câu hỏi theo các chủ đề khác nhau, nhằm giúp các em thêm yêu quê hương, đất nước".
Cô Phương cho biết thêm, trước đây trong tiết lịch sử, nhà trường cũng đã áp dụng mô hình tương tự trong từng giờ học. Cụ thể, giáo viên đưa ra những câu hỏi- đáp nhanh, tổ chức các trò chơi tránh sự nhàm chán trong việc dạy và học môn lịch sử. Với sự đổi mới trong phương pháp dạy và học đã giúp trường dẫn đầu các cuộc thi về lịch sử. Hầu như năm nào trường cũng có thủ khoa đầu vào trường chuyên đối với bộ môn này.
Bài, ảnh: DUY HÙNG