(Baoquangngai.vn)- Đề án dạy bơi trong trường học ở Quảng Ngãi mới chỉ hình thành ý tưởng trên giấy, chưa được đưa vào thực tiễn do kinh phí quá lớn. Trong khi đó, tình trạng trẻ em chết đuối qua từng năm tăng cao, vẫn là vấn đề khiến các gia đình không ngừng lo lắng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kể từ vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến 9 học sinh Trường THCS Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) tử vong vào năm 2016, đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có 6/441 trường học có bể bơi. Trong đó, có 1 trường học duy nhất đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc cho toàn bộ học sinh trong trường.
Tỷ lệ học sinh biết bơi còn rất thấp
Thống kê từ Sở GD&ĐT, chỉ trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra liên tiếp các tai nạn đuối nước khiến hơn 10 học sinh tử vong. Ngày 31.8, 4 trẻ ở xã Hành Thiện, Nghĩa Hành đã bị dòng nước sông Vệ cuốn trôi. Sau đó 10 ngày, ngày 9.9, lại có 2 học sinh ở xã Bình Trung, Bình Sơn ra đi tức tưởi cũng do đuối nước.
Những cái chết liên tục của con trẻ khiến nhiều gia đình đang yên ấm bị xáo trộn, mất mát. Anh Trần Đợi ở thôn Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành bặm chặt môi, cố kiềm nén nỗi đau buồn. Những ngày qua là quãng thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời anh. Hai đứa con trai sinh đôi của anh là em Trần Đức Vĩ và Trần Đức Đại vĩnh viễn không trở về với gia đình được nữa.
Chiều 31.8, Vĩ và Đại rủ hai em Trần Thị Phương Uyên và Trần Thị Thanh Trúc ra bờ sông Vệ nghịch cát, chơi nước. Thời điểm lúc 4 em đi, cả hai gia đình đều không hay biết. “Cả ngày vợ chồng tôi đi làm, đến chiều tối về tôi đi tìm 2 đứa nhỏ khắp xóm vẫn không thấy. Bình thường, chúng có ra bờ sông chơi bao giờ đâu. Cuộc sống sao ngắn ngủi quá!”- anh Đợi kể lại, nét mặt thất thần.
Tai nạn đuối nước năm nào cũng tiếp diễn. Nỗi đau của kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh chưa bao giờ vơi. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 63 trẻ trong độ tuổi thanh, thiếu nhi tử vong do đuối nước. Tất cả các nạn nhân đều không biết bơi và kỹ năng bảo vệ bản thân khi rơi vào các trường hợp nguy hiểm.
Tỷ lệ học sinh không biết bơi trong toàn tỉnh khoảng hơn 70%. Trong số hơn 11 nghìn học sinh của huyện Nghĩa Hành, chỉ có khoảng 3 nghìn học sinh biết bơi. Tại xã Hành Thiện- vùng rốn lũ nằm ngay sông Vệ, tỷ lệ này càng ít hơn nữa khi mỗi năm chỉ có 1/4 học sinh biết bơi trong số hơn 1.000 học sinh của xã. Hiện trong xã chỉ có một bể bơi tư nhân đang hoạt động, dạy bơi cho khoảng 20-30 em mỗi năm.
Anh Mai Văn Thắng- Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Hành Thiện cho biết: Địa phương chưa có chương trình dạy bơi miễn phí cho các em, dù biết điều này vô cùng cần thiết vì năm nào xã cũng có lũ lụt, lại nằm ven sông. Do vậy, Đoàn thanh niên cũng phối hợp với các trường hợp đẩy mạnh tuyên truyền ý thức cho các em, khuyến cáo các phụ huynh quản lý các em trong dịp hè, lễ, tết, nhưng các tai nạn đuối nước vẫn xảy ra.
Gặp khó khi đưa môn bơi vào trường học
Theo phân phối chương trình học của Bộ GD&ĐT, ngoài các môn giáo dục thể chất bắt buộc, các trường có thể tự chọn môn học phù hợp với vùng, miền. Tức là, với đặc thù là địa phương nhiều sông, suối, ao, hồ, 441 trường học ở Quảng Ngãi được lựa chọn đưa môn bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước đến các em học sinh. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ có 6 trường học trong tỉnh có bể bơi.
Bể bơi ở Trường THCS Nghĩa Hà- một trong 6 bể bơi trường học hiện có ở Quảng Ngãi |
Theo Sở GD&ĐT, sở dĩ môn bơi vẫn chưa thể vào trường học là vì điều kiện cơ sở vật chất của các trường còn quá khó khăn. Ông Trần Sỹ- Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT chia sẻ: Kinh phí để các trường đầu tư giữ chuẩn Quốc gia còn khó khăn thì để có kinh phí xây dựng và vận hành bể bơi trong trường lại càng khó. Mỗi bể bơi xây dựng đã tốn 1-2 tỷ đồng, kinh phí vận hành mỗi tháng mất khoảng 50-100 triệu đồng.
Chính vì vậy, Đề án đưa môn bơi vào trường học đã được Quảng Ngãi lên ý tưởng từ rất lâu nhưng lại sớm “chết yểu” trên giấy khi kinh phí tính sơ bộ đã hơn 200 tỷ đồng để xây 80 bể bơi. Khó khăn vì thiếu kinh phí đã thấy rõ, nhưng nhiều phụ huynh cũng thắc mắc, việc đầu tư xã hội hóa bể bơi trong trường học sao không được triển khai?
Anh Trần Quý Minh- ngụ ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành băn khoăn: “Trong khi ở các địa phương lân cận như Đà Nẵng, việc xã hội hóa bể bơi cho các em học sinh được học bơi rất phổ biến, thì ở Quảng Ngãi vẫn chưa có bể bơi trường học nào được đầu tư như vậy. Phụ huynh chúng tôi sẵn sàng chi tiền để con em mình được học bơi trong nhà trường. Được như vậy thì ba mẹ yên tâm, con trẻ lại biết bơi và biết các kỹ năng phòng, tránh đuối nước”.
Các lớp dạy bơi, bể bơi tập trung phần lớn ở trung tâm huyện, thành phố. Trong khi đó, trẻ em vùng nông thôn lại không được tiếp cận và thường xuyên trở thành nạn nhân của các vụ đuối nước |
Đem thắc mắc này đến với ngành chức năng, ông Trần Sỹ- Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho hay, việc xây dựng bể bơi theo hình thức xã hội hóa là điều đáng khuyến khích. Nhưng vấn đề vận hành bể bơi lại thuộc trách nhiệm của ngành. Hiện cơ chế cho việc vận hành, quản lý các bể bơi xã hội hóa vẫn chưa thông thoáng, chưa được cụ thể, nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư.
“Ngành Giáo dục sẽ phải tham mưu để UBND tỉnh xem xét, ban hành một chính sách cụ thể, thông thoáng về việc đầu tư xã hội hóa bể bơi, căng tin và sân bóng mini trong trường học để các nhà đầu tư mạnh dạn hơn”- ông Sỹ tiếp lời.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 15 bể bơi cộng đồng do tư nhân quản lý. Mỗi năm, các bể bơi này tổ chức dạy bơi cho hơn 300 học sinh. Con số này còn quá ít ỏi so với tổng số hơn 200 nghìn học sinh của toàn tỉnh. Mặt khác, các bể bơi cộng đồng chỉ tập trung ở khu vực trung tâm các huyện, thành phố. Trẻ em vùng nông thôn không có điều kiện tiếp cận, học bơi tại các bể này. Thực tế cho thấy, các tai nạn đuối nước lại tập trung hầu hết ở các vùng nông thôn.
Đưa môn bơi vào trường học là nguyện vọng của đông đảo các gia đình có con trẻ. Vì thế, việc đầu tư xây dựng và vận hành bể bơi như thế nào cho phù hợp cần sớm được giải quyết. Bể bơi do nhà nước hay doanh nghiệp, tư nhân xây dựng, quản lý cũng đều vì một mục đích duy nhất. Đó là giúp trẻ em trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi rơi vào các tai nạn nguy hiểm do sông, nước gây ra.
Bài, ảnh: Thiên Vương