Thận trọng khi xóa các điểm trường lẻ ở miền núi

09:08, 28/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai việc sắp xếp mạng lưới trường học theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, việc sáp nhập các điểm trường lẻ và chuyển học sinh lớp lớn về các điểm trường chính là một giải pháp. Tuy nhiên, hiện nay các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa đang vấp phải những khó khăn nhất định.

TIN LIÊN QUAN


Trước hết phải kể đến bất cập là, cơ sở vật chất chưa đáp ứng cho một chủ trương lớn và nguy cơ học sinh bỏ học cao, vì sau sáp nhập khoảng cách từ nhà đến trường xa hơn trước. Thực tế, càng có nhiều điểm trường lẻ, thì càng gây khó khăn cho quản lý cán bộ và hoạt động giáo dục. Thế nhưng, không phải xóa các điểm trường lẻ, đưa học sinh về điểm trường chính là hoàn toàn thuận lợi.

Trường Tiểu học Sơn Tân (Sơn Tây) vẫn duy trì điểm lẻ trong năm học 2018-2019, dù chỉ có 6-7 học sinh.
Trường Tiểu học Sơn Tân (Sơn Tây) vẫn duy trì điểm lẻ trong năm học 2018-2019, dù chỉ có 6-7 học sinh.


Với cách làm thận trọng, trong năm học 2018-2019, huyện Sơn Tây phải giãn thời gian thực hiện đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp, chưa thực hiện theo đúng lộ trình đã định. Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh cho hay: Thực hiện chủ trương quy hoạch mạng lưới trường lớp, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát, tính toán việc đưa học sinh lớp 4 và lớp 5 về các điểm trường chính để các em có điều kiện học tập tốt hơn. Riêng khối lớp 1, 2 và những điểm quá khó thì từng bước thực hiện, nhằm đảm bảo mục tiêu đề án đặt ra. Nhiều điểm chỉ có 5-6 học sinh, nhưng vẫn phải biên chế lớp.

Xóa bỏ các điểm trường lẻ ở thôn, đưa con em đồng bào ra trung tâm các xã để nuôi ăn học theo mô hình bán trú, nhưng điều kiện tại một số điểm trường chính hiện chưa đảm bảo. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Tân Nguyễn Tùng Lâm cho biết, theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng GD&ĐT, trường đã sáp nhập các điểm trường lẻ. Trước đây trường có 7 điểm, thì năm học này chỉ còn 1 điểm trường chính và 4 điểm lẻ. Đối với những em nhà ở cách trường học chừng 6km, thì không thể đưa các em xuống điểm trường chính hay sáp nhập điểm lẻ mà cần phải duy trì điểm lẻ, để tạo thuận lợi cho việc đi học của các em.

“Hiện trường chỉ thực hiện xóa điểm lẻ ở những nơi thuận lợi, còn những điểm khó khăn thì dù 5 hay 7 học sinh vẫn phải mở lớp. Vì học sinh lớp 1, 2 không thể đi đoạn đường xa đến trường, trong khi có nhiều đèo vực, sông suối”, ông Lâm nhấn mạnh.

Huyện Sơn Hà cũng có nhiều điểm trường lẻ ở các thôn, khiến việc đầu tư cơ sở vật chất dàn trải, khó bố trí giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nhưng không phải vì thế mà Sơn Hà vội xóa các điểm trường lẻ.

Trước những khó khăn phát sinh trong quá trình sắp xếp mạng lưới trường lớp, tỉnh đã đồng ý để một số điểm trường ngưng sáp nhập, hoặc lùi thời điểm sáp nhập do các điểm quá xa nhau và có thời gian để đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện đề án hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát lại những điểm lẻ nằm trong danh sách cần phải xóa. Nếu thực sự cơ sở vật chất còn tốt và học sinh có nhu cầu sẽ xem xét giữ lại, không làm máy móc, gây tác động không tốt đến cuộc sống sinh hoạt của phụ huynh và việc học tập của học sinh.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.