(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù năm học 2017-2018 sắp kết thúc, thế nhưng nhiều phụ huynh vẫn bức xúc trước tình trạng nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thu các khoản thu nằm ngoài quy định của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh.
Một số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên lý giải rằng, kinh phí hoạt động của trường hạn hẹp, nên cần thực hiện xã hội hóa (XHH). Việc thu tiền dựa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, nhà trường không bắt buộc. Tuy nhiên, việc thu tiền lại được tổ chức đồng loạt mà không lấy ý kiến của phụ huynh...
Nhiều khoản thu ngoài quy định
Nhiều phụ huynh thở dài khi vào thời điểm gần kết thúc năm học lại phải đóng những khoản tiền nằm ngoài quy định. Dù số tiền mỗi phụ huynh phải đóng không lớn, tiền khen thưởng thì khoảng vài chục nghìn đến 100 nghìn đồng/cháu; tiền mua vé xem diễn văn nghệ, rồi tiền ủng hộ văn nghệ... nhưng với số lượng lớn học sinh, thì tổng số tiền thu được không phải là nhỏ. Những khoản tiền này gọi là "tự nguyện", nhưng gần như là bắt buộc, tất cả phụ huynh học sinh đều phải đóng với mức ngang nhau...
Khu vui chơi của học sinh Trường Mầm non Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) được đầu tư xây dựng từ nguồn đóng góp của phụ huynh. |
Chị K, có con học ở một trường tiểu học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi tâm sự: "Mặc dù không đồng tình với khoản thu khen thưởng, nhưng đành phải đóng. Việc khen thưởng cho học sinh theo kiểu này đã làm mất đi ý nghĩa của việc khen thưởng". Chị K cho biết, tại cuộc họp phụ huynh vào dịp cuối năm, giáo viên chủ nhiệm cho hay, nhà trường tặng cho học sinh giấy khen, còn quà thì phụ huynh đóng góp tiền để mua. Ở lớp của con chị K, mỗi phụ huynh đóng góp 70 nghìn đồng, để mua vở tặng thưởng.
Không chỉ có các khoản thu nằm ngoài quy định nói trên, qua kết quả thanh tra trong năm học 2017-2018 của Sở GD&ĐT, nhiều trường thỏa thuận với Ban đại diện cha, mẹ học sinh để thu tiền tăng cường cơ sở vật chất trường học, đóng góp xây dựng nhà xe, sửa chữa trường; mua sắm thiết bị, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh bán trú...
Điển hình như Trường Tiểu học thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) thu tiền mua sắm dụng cụ ban đầu 400.000 đồng/học sinh khối lớp 1 và 120.000 đồng/học sinh khối lớp 2, 3, 4; Trường THCS Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) thu tiền tu sửa cơ sở vật chất 16 triệu đồng; Trường Mầm non Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) thu 100.000 đồng/cháu/năm để mua khăn, gối và thu 100.000 đồng/cháu/tháng, để chi trả lương cho 4 giáo viên đứng lớp và 4 nhân viên cấp dưỡng, dọn vệ sinh... Nhiều trường thu sai quy định, cụ thể là thu tiền dọn vệ sinh, cắt cỏ, tiền khuyến học, thu tiền quỹ Đội vượt mức quy định, thu tiền website...
"Nhiều lần họp, phụ huynh có ý kiến đề nghị nhà trường phải cung cấp cho phụ huynh bảng danh sách các khoản thu để công khai, minh bạch, nhưng trường không thực hiện. Cứ mỗi lần họp phụ huynh là ám ảnh, vì phải nộp nhiều khoản tiền", một phụ huynh có con học ở một trường mầm non ở huyện Tư Nghĩa bức xúc.
Tránh lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa
Ngay từ đầu năm học, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo việc thu, chi ở trường học phải thực hiện đúng theo quy định, tránh tình trạng lạm thu, tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa XHH, để thu tiền trái quy định. Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra của Sở GD&ĐT chỉ ở một vài trường từ mầm non đến THCS đã cho thấy nhiều sai phạm trong công tác thu, chi.
Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn và cần thiết, nhất là hiện nay khi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải hiểu đúng và thực hiện đúng theo quy định, để chủ trương XHH đạt hiệu quả, tạo sự đồng tình cao trong phụ huynh học sinh.
Phó trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Dương Thị Như Cẩm cho biết: Đối với khoản thu XHH phải trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, không cào bằng. Trước khi kêu gọi, vận động XHH, các trường phải lập kế hoạch các nguồn thu, liệt kê các danh mục cần XHH, để cấp trên phê duyệt. Phải trên tinh thần tự nguyện, bàn bạc, thống nhất với phụ huynh trước khi đưa ra mức thu.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ Nguyễn Văn Bảy thì cho rằng: Lâu nay, một số trường "đánh đồng" XHH với việc thu tiền. Phải hiểu rằng XHH trong giáo dục là huy động đóng góp của người dân trên nhiều mặt, từ tài chính, sức lao động, ý tưởng và nhất là mọi người cùng tham gia vào quá trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học. Muốn kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh học sinh, nhà trường phải nêu rõ mục đích, công khai dự kiến sử dụng số tiền XHH và được sự đồng thuận của phụ huynh, công khai quá trình thu chi, kết quả thực hiện...
Còn theo Phó Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Thương, thì phòng kiên quyết xử lý đối với những trường sai phạm trong thu, chi, nhất là tổ chức thu các khoản thu trái quy định. Trước đây, tại Trường Tiểu học Tịnh Bắc thu tiền vệ sinh 15.000 đồng/học sinh/năm. Theo Thông tư 55-Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ các khoản không được thu, trong đó có vệ sinh lớp học. Mặc dù có sự thống nhất của phụ huynh, tuy nhiên thu tiền để thuê người dọn nhà vệ sinh là sai, nên buộc nhà trường phải trả lại tiền cho phụ huynh.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN
Phải xử lý nghiêm người đứng đầu nếu trường lạm thu
PV: Xin ông cho biết cụ thể kết quả thanh tra các khoản thu tại các cơ sở giáo dục trong năm học 2017-2018? Ông Bùi Ngọc Tuyển: Năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn thanh tra các khoản thu tại các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến THPT. Qua thanh tra đã phát hiện một số cơ sở giáo dục thu các khoản thu trái quy định. Sở đã yêu cầu hoàn trả lại cho người học và các đơn vị đã có báo cáo. Thanh tra Sở cũng đã tiến hành thanh tra ở tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh, đa phần các trường chấp hành tốt quy định. Đối với bậc mầm non đến THCS, mỗi huyện, thành phố chỉ thanh tra ở một vài trường đối với mỗi bậc học, do vậy việc tổ chức các khoản thu tại các trường không được thanh tra rất khó kiểm soát. PV: Theo quy định, tiền khen thưởng cho học sinh được trích từ khoản nào và có hay không sự nhập nhằng trong cách hiểu về XHH trong giáo dục, thưa ông? Ông Bùi Ngọc Tuyển: Việc thu tiền khen thưởng ở một số trường là trái với quy định. Kinh phí khen thưởng phải được trích từ ngân sách. Năm nào cũng vậy, vào đầu năm học, Sở GD&ĐT đều có hướng dẫn thực hiện các khoản thu tại các trường học, trong đó nêu rõ từng khoản thu theo quy định và các khoản huy động đóng góp theo hình thức XHH phải lập dự toán chi tiết, được thống nhất trong Ban giám hiệu, Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phải lấy ý kiến của phụ huynh, trên tinh thần tự nguyện, không được quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc đối với những người tham gia đóng góp và phải được cơ quan cấp trên phê duyệt... Do vậy, sẽ không có gì là khó hiểu chủ trương XHH, nếu có thì đó là cố tình không hiểu, lợi dụng danh nghĩa XHH để lạm thu. PV: Vậy đâu là giải pháp để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt chủ trương XHH, tránh tình trạng lợi dụng XHH để lạm thu? Ông Bùi Ngọc Tuyển: Thực tế cho thấy từ bậc mầm non đến THCS, việc kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc thu trái quy định chưa được nghiêm túc, nên tình trạng thu trái quy định vẫn còn xảy ra. Do đó, cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đúng quy định, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu phát hiện lạm thu, có như vậy mới chấn chỉnh được tình trạng lạm thu.
T.ÂN
(thực hiện)
|