(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù năm học 2017-2018 chưa kết thúc, nhưng nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đã cho trẻ nghỉ học ở trường mầm non, để ra ngoài học chữ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ sau tết Nguyên đán, nhiều bậc phụ huynh có con học lớp lá ở các trường mầm non lần lượt cho trẻ nghỉ học, để ra ngoài học trước chương trình lớp 1. Một cô giáo dạy ở một trường mầm non công lập trên địa bàn TP.Quảng Ngãi thở dài: "Trường không dạy chữ cho trẻ theo quy định của Bộ GD&ĐT nên nhiều phụ huynh cho con nghỉ học. Các cô giáo trong trường giải thích để phụ huynh hiểu rõ chủ trương, cho con học hết chương trình mầm non, nhưng số lượng học sinh cứ thưa dần. Lớp học do tôi đảm nhiệm chỉ còn lại hơn nửa học sinh so với đầu năm học".
Trẻ cần chuẩn bị tâm lý trước khi vào lớp 1, thay vì học trước chương trình. Trong ảnh: Học sinh Trường Mầm non Kim Phú (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: T.P |
Thạc sĩ Trần Thị Kim Huệ (giảng viên Khoa Sư phạm xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng) cho biết: Giai đoạn chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1, có nhiều điều mới lạ, bé phải làm quen. Do đó, đừng ép trẻ học sớm, nếu con không thực sự hứng thú. Đừng ép bé học theo kiểu ngồi vào bàn, học quá nghiêm túc...
Hiện nay, phần lớn phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là do tâm lý lo sợ con không theo kịp chương trình. Tuy nhiên, nếu trẻ được học trước chương trình sẽ không còn háo hức khi chính thức vào học lớp 1, dẫn tới mất tập trung. Còn đối với trẻ không thích học mà cứ bị ép, thì lâu dần sẽ bị ức chế, ảnh hưởng tâm lý... Thực tế cho thấy, nhiều trẻ không học trước chương trình, nhưng khi vào lớp 1 vẫn đạt thành tích cao trong học tập.
Theo thạc sĩ Trần Thị Kim Huệ, khó khăn của trẻ khi vào lớp 1 là làm quen với sự thay đổi về môi trường xung quanh, chuyển từ tư duy trực quan hình ảnh (mầm non) sang tư duy trừu tượng (con số, phép toán ở bậc tiểu học), thay đổi quan hệ giao tiếp với cô giáo... chứ không phải khó khăn ở việc đọc-viết. Do vậy, các bậc cha mẹ phải có sự chuẩn bị cho con tâm thế sẵn sàng đi học, để trẻ tự tin, tập trung vào bài học, biết nghe lời cô giáo, giữ nền nếp, thói quen tốt khi vào trường tiểu học.
Phụ huynh nên trò chuyện, khuyến khích để trẻ chia sẻ những suy nghĩ về trường lớp, môi trường sắp tới của các cháu; giúp trẻ phát triển kỹ năng quan sát và giao tiếp, tập trung chú ý, biết sẵn sàng hòa nhập, nỗ lực học tập. Dạy trẻ biết cách tôn trọng người khác, bởi khi đã vào tiểu học, bé sẽ không còn được chiều chuộng, được chăm sóc như ở nhà hay ở trường mẫu giáo. Bởi vậy, thay vì cho con đi học trước, các phụ huynh hãy gợi mở giúp bé háo hức, say mê học hỏi và sự hứng khởi khi được đến trường.
TRỊNH PHƯƠNG