(Báo Quảng Ngãi)- Ngành giáo dục tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, song hiệu quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng.
Còn nhiều khó khăn
Phân luồng học sinh (HS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là một bộ phận phụ huynh chưa hiểu đúng về tầm quan trọng của công tác này, nên nhiều người cho rằng phải cố gắng học để thấp nhất cũng phải có bằng tốt nghiệp THPT, dù năng lực học tập của con em có hạn. Do đó, một số em phải bỏ học giữa chừng, vì không theo kịp chương trình.
Học viên Trường Cao đẳng Việt Nam- Hàn Quốc- Quảng Ngãi trong giờ thực hành. |
Mặt khác, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông còn hạn chế, do đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách tư vấn hướng nghiệp chưa được đào tạo bài bản. Đồng thời, thiếu chính sách hỗ trợ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS; chưa có sự liên kết giữa các trường dạy nghề và trường THCS trong công tác tuyên truyền, tư vấn cho HS. Thường thì các trường nghề, cơ sở giáo dục chỉ định hướng nghề nghiệp cho các em trong mùa tuyển sinh. Vì thế, HS sau khi tốt nghiệp THCS ít đăng ký học nghề. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề ngày càng cao.
Theo thống kê của ngành GD&ĐT, tỷ lệ HS bỏ học trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng không nhiều. Năm học 2014- 2015, toàn tỉnh có 1.789 em bỏ học; 2015-2016 có 1.684 em bỏ học; năm học 2016-2017 có 1.436 em bỏ học. Riêng học kỳ I năm học 2017-2018 có 602 em bỏ học. Học sinh bỏ học nhiều nhất là ở bậc THPT. |
Phải thực hiện đồng bộ
Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là chủ trương đúng đắn, song kết quả đạt được trong thời qua vẫn còn thấp. Để đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao, nhiều trường THPT phải hạ điểm chuẩn rất thấp, dẫn đến kết quả học tập không cao.
Để thực hiện hiệu quả việc phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, trước hết phải bắt đầu từ việc tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp để nâng cao nhận thức cho HS, phụ huynh và toàn xã hội. Các bậc phụ huynh cũng phải hiểu rõ tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho con để có sự lựa chọn phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của gia đình. Các trường nghề cần chú trọng hơn việc liên kết với các trường phổ thông để tổ chức định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh ngay từ đầu năm học.
Hiện nay, nhiều trường nghề đã liên kết mở các khóa đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp. Cơ hội việc làm cho học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THCS, THPT là rất lớn. Để thu hút được học viên, các trường nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo và làm tốt công tác tư vấn việc làm cho HS sau khi tốt nghiệp.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết, Chỉ thị 10-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI đặt mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu có ít nhất 30% số HS sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Do đó, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ có giải pháp quyết liệt trong công tác này. Tập trung định hướng nghề nghiệp từ bậc THCS để HS xác định nghề nghiệp phù hợp với năng lực.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG