(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2018, tỉnh ta phấn đấu đưa gần 2.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), tập trung chủ yếu ở những thị trường chất lượng cao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn, cho biết: Năm 2017, toàn tỉnh đã đưa được 1.700 người đi XKLĐ, nguồn thu nhập từ những người đi XKLĐ mang về khoảng 400 tỷ đồng. Các địa phương có nhiều người tham gia XKLĐ như Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi, Đức Phổ... Năm 2018 toàn tỉnh sẽ phấn đấu đưa gần 2.000 người đi XKLĐ. Thị trường mà lao động (LĐ) của tỉnh hướng đến chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan.
Nhiều hình thức tuyển lao động xuất khẩu
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Võ Duy Yên cho biết thêm, doanh nghiệp đến với tỉnh để tuyển dụng người đi XKLĐ là những doanh nghiệp uy tín chuyên đưa lao động đi xuất khẩu sang các thị trường chất lượng cao, có giấy phép do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Nohara – Nhật Bản, ông Iwasaki đã có buổi tư vấn tuyển dụng trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Tập đoàn Nohara có hơn 300 công ty con, với nhiều ngành nghề, trong đó nổi bật là ngành trang trí nội thất.
“Trong những năm qua, Tập đoàn Nohara tuyển dụng rất nhiều lao động Việt Nam, nhưng đa số là lao động ở các tỉnh phía Nam. Năm nay, chúng tôi mở rộng tư vấn tuyển dụng ở khu vực miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, để tìm kiếm thêm nguồn nhân lực có chất lượng”, ông Iwasaki cho biết. Được biết, đợt này Tập đoàn Nohara tuyển dụng 600 lao động ở nhiều ngành nghề.
Chủ tịch Tập đoàn Nohara, ông Iwasaki tư vấn tuyển dụng trực tiếp tại Quảng Ngãi. |
Từ cuối năm 2017 đến nay, Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp tư vấn “Xuất khẩu lao động” với sự tham gia của lãnh đạo Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TB&XH) cùng các doanh nghiệp có chức năng làm công tác XKLĐ; đại diện người lao động đã đi XKLĐ. “Đây là kênh thông tin tuyên truyền bổ ích, tư vấn, hỗ trợ người dân nắm bắt thông tin về XKLĐ. Chương trình này sẽ được tiếp tục thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới”, ông Lương Kim Sơn cho biết thêm.
Vẫn còn thách thức
Dù công tác XKLĐ của tỉnh đạt một số kết quả, nhưng hầu hết lực lượng lao động chỉ mới tập trung ở các huyện đồng bằng, khu vực miền núi rất hạn chế. Năm 2017, chỉ tiêu XKLĐ của huyện Trà Bồng là 50 người, tuy nhiên chỉ có 17 lao động tham gia XKLĐ. Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh, cho biết: Đối với các thị trường chất lượng cao, lao động miền núi khó đáp ứng được các yêu cầu về tay nghề cũng như khó tiếp cận với các thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại. Ý thức tổ chức kỷ luật còn thấp, không có tác phong công nghiệp... Đồng thời, công tác vận động, tư vấn, tuyên truyền chưa sâu rộng, hình thức chưa được phong phú, dẫn đến việc người dân chưa tin tưởng, tâm lý còn lo sợ khi con em đi lao động ở nước ngoài.
Ngoài ra, việc lao động tham gia XKLĐ ở thị trường Hàn Quốc bỏ trốn ở lại làm việc bất hợp pháp cũng gây cản trở cho các lao động muốn tham gia XKLĐ ở thị trường này. Trong nhiều năm qua, TP.Quảng Ngãi là địa phương có số người tham gia XKLĐ cao nhất tỉnh, riêng năm 2017 toàn thành phố có 374 người đi XKLĐ.
Tuy nhiên, số lượng lao động của TP.Quảng Ngãi bỏ trốn ở lại các nước sở tại cũng thuộc diện nhiều nhất. Hiện TP.Quảng Ngãi có 42 lao động tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng chưa về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp. Đây là điều cần phải được khắc phục.
Bài, ảnh: VŨ YẾN