Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý":
Tiếp sức cho học trò nghèo

02:02, 26/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Nguyễn Trúc Kha (32 tuổi) về giảng dạy tại Trường THPT Quang Trung (Sơn Hà). Gần 10 năm gắn bó với học sinh vùng cao cũng là ngần ấy thời gian thầy Kha vượt đèo, lội suối cùng đồng nghiệp vận động học sinh ra lớp; trích tiền lương giúp học sinh nghèo; tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, kêu gọi sự chung tay của các mạnh thường quân để giúp đỡ học sinh vùng cao...

TIN LIÊN QUAN


Thầy Kha quê ở TP.Quảng Ngãi. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn (ngành sư phạm Vật Lý), thầy Kha được phân công tác về Trường THPT Quang Trung. Lần đầu tiên tiếp xúc với học sinh người đồng bào các dân tộc thiểu số, thầy Kha vô cùng xót xa về điều kiện học tập của học sinh nơi đây. “Nhiều em ở các xã Sơn Giang, Sơn Linh phải vượt chặng đường đồi dốc hơn 15km mới có thể đến trường...

Trong trường, học sinh người đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm đa số, trong khi kinh tế gia đình các em phần lớn thuộc diện nghèo, cận nghèo; nhiều gia đình chưa quan tâm nhiều đến việc học của con, nên ngày cuối năm hoặc dịp nghỉ hè các em đều phải lên rẫy chăm sóc keo để kiếm tiền phụ giúp gia đình...”, thầy Kha kể.

 Thầy Nguyễn Trúc Kha (đầu tiên bên trái) tặng quà cho học sinh vùng cao.
Thầy Nguyễn Trúc Kha (đầu tiên bên trái) tặng quà cho học sinh vùng cao.


Những năm đầu giảng dạy, dù chỉ là giáo viên bộ môn, nhưng thầy Kha luôn cùng đồng nghiệp đến từng nhà các em học sinh nghỉ học để động viên các em ra lớp. Vượt suối, băng đèo, đến nhà từng em, chứng kiến cảnh sống cơ cực, thiếu thốn nhiều thứ, thầy Kha lại càng thương học trò của mình hơn. “Các em đi học không đều, vì phải phụ gia đình kiếm tiền, nhất là những ngày gần Tết. Thấu cảm điều đó, tôi nghĩ rằng là phải giúp đỡ các em bằng những việc làm thiết thực hơn, không dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nữa”, thầy Kha trải lòng.

Từ năm 2010, thầy Kha bắt đầu tiết kiệm tiền sinh hoạt cá nhân, dùng tiền lương của mình để tặng thưởng, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Kha chia sẻ: Học trò tôi là học sinh THPT nên cách cho tiền của tôi có phần đặc biệt hơn. Tôi thường ra những bài tập nhỏ trên lớp và gọi các em có hoàn cảnh khó khăn lên giải, các em làm được thì tôi sẽ thưởng. Dù số tiền không lớn chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng ý nghĩa về mặt tinh thần rất lớn, động viên, khuyến khích được các em trong học tập.
 

"Tôi còn trẻ và muốn được cống hiến nhiều nữa. Sự trong sáng của học trò nơi đây khiến tôi muốn gắn bó lâu dài. Các em còn nhiều thiếu thốn so với học sinh miền xuôi, nên tôi sẽ cố gắng hết khả năng để hỗ trợ các em có tương lai tươi sáng hơn".
Thầy giáo NGUYỄN TRÚC KHA Trường THPT Quang Trung (Sơn Hà)

Năm 2011, bên cạnh việc giảng dạy, thầy Kha được tín nhiệm bầu giữ chức danh Phó Bí thư đoàn trường và tham gia nhiều CLB thiện nguyện. Đó cũng là cơ hội để thầy Kha kết nối cộng đồng, xây dựng nhiều chương trình để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Một mình tôi hỗ trợ, kêu gọi thì chỉ giúp được vài em; còn nhiều người cùng chia sẻ thì sẽ thay đổi cuộc sống, tương lai của rất nhiều em học sinh”, thầy Kha cho biết.

Ngoài việc kết nối với nhiều CLB lên tặng quà, giúp đỡ các em bị đau ốm, gia đình gặp tai nạn..., thầy Kha còn trích tiền cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ một số hoàn cảnh gần chục triệu đồng... Như em Đinh Văn Hiệp được thầy Kha kêu gọi giúp đỡ hơn 10 triệu đồng vào năm em học lớp 12.

Lúc bấy giờ, kinh tế gia đình Hiệp rất chật vật do tiền bạc gia đình dành hết để chữa trị bệnh cho em trai bị bại não. Nhưng rồi, nhờ sự quan tâm kịp thời của thầy Kha, đã phần nào giúp gia đình em vơi bớt khó khăn, Hiệp không phải nghỉ học giữa chừng. Đến nay, sau khi học khóa trung cấp nghề, em Hiệp đã tìm được việc làm ổn định.

Với mong muốn được giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn, có thêm nhiều phần quà cho các em học sinh nghèo vào dịp cuối năm, giúp các em học sinh đón Tết vui tươi, người thầy giáo trẻ này cùng các thầy cô trong trường tổ chức đêm văn nghệ thường niên “Tết ấm yêu thương”. Kịch bản chương trình, kêu gọi tài trợ đều do thầy Kha đảm đương.

Thầy Kha phấn khởi, cho biết: Các tiết mục văn nghệ đều do các em học sinh trong trường tự chuẩn bị, âm thanh, ánh sáng, người dẫn chương trình thì tôi nhờ bạn bè hỗ trợ, toàn “cây nhà lá vườn”, nên tiết kiệm khá nhiều chi phí. Những năm trở lại đây, sau mỗi đêm hội diễn, trường huy động được số tiền từ 20 - 40 triệu đồng và trao trên 100 suất quà cho các em học sinh khó khăn.

Năm 2017, thầy Kha được bầu làm Bí thư đoàn trường, không chỉ đưa các phong trào đoàn, hội của trường phát triển sôi nổi hơn, mà thầy còn dẫn dắt đội tuyển của trường tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở GD&ĐT tổ chức vào đầu năm 2018 và đạt giải ba.  

Trò chuyện với thầy Kha, tôi cảm nhận được sự say nghề, yêu trẻ của thầy. Chặng đường từ nhà thầy đến trường hơn 40km, tôi hỏi vui, nếu có điều kiện thầy có xin chuyển công tác để được ở gần với gia đình không. Không cần suy nghĩ, thầy Kha cười tươi, nói: Tôi còn trẻ và muốn được cống hiến nhiều nữa. Sự trong sáng của học trò nơi đây khiến tôi muốn gắn bó lâu dài. Các em còn nhiều thiếu thốn so với học sinh miền xuôi, nên tôi sẽ cố gắng hết khả năng để hỗ trợ các em có tương lai tươi sáng hơn.


Bài, ảnh: HIỀN THU


 


.