(Báo Quảng Ngãi)- Thay vì chọn đại học hay ở lại những thành phố lớn tìm kiếm cơ hội việc làm thì nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường học nghề, chấp nhận đương đầu với rủi ro, khó khăn để lập nghiệp, gầy dựng con đường đi của riêng mình. Nhiều bạn trẻ đã định hướng nghề nghiệp từ những đam mê, nhiệt huyết như thế.
Tiệm bánh của Thy
Căn nhà nhỏ ở thị trấn Đức Phổ là nơi mỗi ngày Lê Hà Diễm Thy say sưa với những chiếc bánh của mình. Nhìn cách Thy chăm chút cho từng cái bánh kem, bánh tiramisu, bánh bông lan trứng muối như gửi gắm cả tình cảm của mình vào công việc. Thy nói: “Tôi luôn cố gắng mỗi ngày để rèn luyện, nâng cao tay nghề của mình, học hỏi những cách làm và mẫu bánh mới. Những đơn hàng ngày càng nhiều hay những phản hồi của khách đã chứng tỏ cho mọi người thấy tôi đã lựa chọn hướng đi đúng”.
Thay vì chọn đại học, cô gái trẻ Lê Hà Diễm Thy chọn học nghề theo sở thích của mình để định hướng công việc. |
Hướng đi của Thy từng khiến mọi người phản đối, bởi cô gái trẻ chọn học nghề, thay vì tiếp tục thi vào các trường sau khi tốt nghiệp THPT. Mất một thời gian để thuyết phục người thân, cô gái trẻ vẫn quyết tâm học nghề. Vậy là, trong khi bạn bè theo học tại các trường đại học hay cao đẳng còn Thy đăng ký đi học làm bánh trong thời gian 3 tháng. Sau thời gian học nghề, Thy mở một tiệm bánh nho nhỏ ở thị trấn Đức Phổ, bởi nhận định không thể cạnh tranh với những tiệm bánh ở thành phố lớn hơn, đồng thời đẩy mạnh tiếp cận với khách hàng thông qua mạng xã hội.
“Tôi luôn cố gắng mỗi ngày để rèn luyện, nâng cao tay nghề của mình, học hỏi những cách làm và mẫu bánh mới. Những đơn hàng ngày càng nhiều hay những phản hồi của khách đã chứng tỏ cho mọi người thấy tôi đã lựa chọn hướng đi đúng”. LÊ HÀ DIỄM THY |
Mỗi ngày, một mình Thy xoay quanh với các công việc nướng bánh, làm kem, trang trí. Trong khi các tiệm bánh lớn có những mẫu bánh sẵn số lượng nhiều, thì Thy chỉ làm theo đơn hàng để có thể chăm chút cho chiếc bánh của mình. Ngoài bánh kem, tiramisu, coconut cheese, mouse, bông lan trứng muối, Thy còn làm bánh kẹo đường tạo hình thành các nhân vật hay con thú đáng yêu được nhiều khách hàng yêu thích bởi sự độc đáo, mới lạ. Mỗi năm, Thy đều tìm tòi một mẫu bánh mới với những tạo hình riêng mang đến điểm nhấn, đồng thời thử thách tay nghề của mình.
Chấp nhận khó khăn
Quyết định học nghề thay vì học đại học đã không còn là chuyện hiếm đối với những bạn trẻ bây giờ. Đó cũng là cách Lưu Thị Kiều Diệu ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) biến đam mê thành hiện thực.
Vốn dĩ thích nấu ăn nên Diệu học nghề chế biến món ăn ở Quy Nhơn, sau đó đi thực tập, làm thêm tại các nhà hàng lớn ở thành phố biển này. Ra trường, gạt qua những phân vân trước nhiều lựa chọn, tháng 9.2016, Diệu quyết định đầu tư mở quán ăn với nguyên liệu chính các món về ốc theo xu hướng của giới trẻ.
Biến đam mê nấu ăn thành hiện thực, Lưu Thị Kiều Diệu mở quán ăn cho riêng mình. |
Ban đầu chưa có kinh nghiệm, nên Diệu thuê mặt bằng nhỏ tại TP.Quảng Ngãi, con đường ít người qua lại nên hầu như ít ai biết đến quán ăn. Nhưng từ chính những món ăn tươi ngon, nên những khách hàng giới thiệu lẫn nhau. Sau mỗi lần khách ăn xong, Diệu lại đến từng bàn nhờ khách nhận xét, góp ý cho món ăn để từ đó Diệu điều chỉnh lại cách chế biến phong phú, thực đơn đa dạng hơn. Tất cả nguyên liệu ốc, Diệu đều lựa chọn lấy từ các địa phương trong tỉnh để đảm bảo độ tươi ngon như ốc giấm, ốc giác, ốc múa ở Nghĩa An, sò dương, sò nhảy ở Bình Hải (Bình Sơn), càng ghẹ, càng cúm ở Sa Huỳnh (Đức Phổ)...
Thời gian đầu mở quán chỉ có Diệu và chị gái tự xoay sở làm tất cả các công việc. “Qua Tết Nguyên đán 2017 một thời gian, quán bắt đầu đông khách, có những hôm hai chị em rửa chén đến 1 - 2 giờ sáng, nhưng vẫn cảm thấy vui. Bây giờ dù đã chuyển sang mặt bằng rộng rãi hơn, có thêm nhân viên phục vụ, nhưng vẫn tự tay tôi chọn mua nguyên liệu, chế biến”, Diệu chia sẻ.
Từ ý nghĩ ban đầu đi làm phụ cho người khác, đến nay cô chủ nhỏ của quán ốc Tỷ muội đã gầy dựng được "vốn liếng". Đó là kinh nghiệm quý giá của riêng mình và những khách hàng quen thuộc của quán.
Bài, ảnh: BẢO HÒA