(Baoquangngai.vn) - Thời gian qua, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong công tác xây dựng quỹ khuyến học. Thế nhưng, tại xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, địa phương đã bố trí đất để người dân trồng rừng keo, bán lấy tiền gây quỹ khuyến học. Đây là mô hình mới, sáng tạo, linh hoạt để có nguồn thu chủ động, chăm lo tốt hơn cho công tác khuyến học, khuyến tài.
Trồng cây gây quỹ
Trưa muộn, rừng keo rộng gần 1ha của Chi hội Khuyến học thôn Thạch Nội, xã Tịnh Trà vẫn đông người dọn phát thực bì. Cả khu rừng rộn ràng tiếng hót của bầy chim quyện vào như một bản hòa âm. Đây là rừng cây khuyến học của bà con trong thôn. Rừng keo 4 năm tuổi thẳng đều, cây phát triển tốt, nhờ bà con chăm phát dọn thực bì, tỉa cành.
Dẫn chúng tôi đi tham quan rừng keo, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tịnh Trà Phạm Đình Thu chia sẻ: Huy động từng hộ gia đình đóng góp gây quỹ rất khó vì đời sống của hầu hết người dân còn khó khăn. Thay vì đó, mình xin quỹ đất để trồng cây là biện pháp tạo quỹ hội với nguồn thu chủ động, ổn định, lâu dài để chăm lo tốt hơn công tác khuyến học, khuyến tài.
Rừng cây khuyến học được hình thành từ đó và bắt đầu thực hiện từ năm 2009. Khi đó, Hội khuyến học xã được chính quyền địa phương giao cho gần 1ha đất rừng mà địa phương quản lý để trồng keo.
|
Rừng keo khuyến học của thôn Thạch Nội. |
Hội Khuyến học xã đã nắm bắt cơ hội này tuyên truyền, vận động bà con có con em đang đi học trong thôn đóng góp được hơn 3 triệu đồng mua giống, góp công trồng và chăm sóc. Và rừng cây khuyến học ra đời từ đó.
Sau 5 năm trồng và chăm sóc, vào năm 2013, rừng cây khuyến học của thôn Thạch Nội đã thu về hơn 30 triệu đồng, Chi hội trích ra 18 triệu đồng để mua cây con về trồng lứa thứ hai.
Toàn bộ số tiền còn lại cùng với số tiền vận động được của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, Hội Khuyến học xã Tịnh Trà đã tặng 835 suất quà, trị giá hơn 41 triệu đồng cho con em có thành tích học tập khá, giỏi. Quà tặng tuy nhỏ, nhưng hết sức ý nghĩa dành cho các cháu.
Với thành công bước đầu, năm 2014, Hội Khuyến học xã tiếp tục nhân rộng mô hình ra thêm 2ha nữa ở thôn Phú Thành. Việc trồng, chăm sóc rừng cây này do các gia đình có con, em đang đi học đảm nhận.
Ông Lê Minh Đúng, một gia đình tham gia trồng và chăm sóc rừng keo khuyến học thôn Thạch Nội bộc bạch: “Khi ấy, Hội kêu gọi trồng cây gây quỹ, chúng tôi hưởng ứng ngay. Người khá chút thì nộp 50.000 đồng, gia đình nào khó hơn thì 20.000 đồng. Giờ thời bình, mình phải khích lệ con cháu nó học kiếm cái chữ”.
Cách làm sáng tạo, linh hoạt
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà Trần Văn Trường cho biết, mỗi năm địa phương phân bổ cho Hội khuyến học 3 triệu đồng, số tiền này không đủ để hội hoạt động. Từ nguồn đất xã tạo điều kiện, Hội huy động hội viên trồng cây, gây quỹ. Đây là cách làm hay. Nhờ nguồn quỹ này mà công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Nhờ nguồn quỹ ổn định mà công tác khuyến học ở xã Tịnh Trà phát triển mạnh mẽ. |
|
Theo ước tính của Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tịnh Trà Phạm Đình Thu, dự kiến năm 2018, hai rừng keo tổng diện tích 3ha sẽ cho thu hoạch khoảng 360 tấn, sau khi trừ chi phí, mỗi tấn keo lãi được 750.000 đồng, vị chi sẽ thu lại được hơn 250 triệu đồng.
Ngoài việc trích ra một phần kinh phí để tiếp tục mua cây giống cho lứa tới, số tiền còn lại sẽ được bổ sung vào quỹ. Cộng với 117 triệu đồng tiền quỹ hội đang có sẽ có thêm những phần thưởng động viên học sinh khá, giỏi, những suất học bổng tiếp sức cho các học sinh nghèo đến trường.
Đây là một mô hình mới, một cách làm sáng tạo, linh hoạt cần được nhân rộng, nhất là ở những địa phương vùng cao, miền núi, gặp khó khăn trong công tác xây dựng quỹ khuyến học.
Bài, ảnh: A.KIỀU