(Báo Quảng Ngãi)- Dù ở bất cứ thời đại nào, nghề giáo vẫn luôn là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh. Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Phạm Sy. Vậy nên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi thầy cô giáo phải luôn là tấm gương sáng cho học sinh; không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức nhà giáo, tạo dựng niềm tin cho xã hội.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nghề cao quý
“Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Câu ca ấy như một minh chứng về truyền thống tôn sư trọng đạo, một truyền thống đẹp đã có từ lâu đời của dân tộc ta. Dù ở thời đại nào, nghề giáo vẫn luôn là một nghề cao quý, luôn được xã hội tôn vinh. Sự tôn vinh đó được thể hiện qua tiếng gọi thiêng liêng: "Thầy giáo".
Chính vì sự cao quý ấy mà nhiều thầy cô giáo đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người, dẫu thu nhập của nghề giáo chẳng đáng là bao. Nghề giáo- cái nghề rất đỗi thiêng liêng, cao quý ấy đã góp phần quan trọng trong việc đào tạo nên bao thế hệ tri thức đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước.
Cô Ngọc luôn dạy trẻ bằng sự tâm huyết và niềm đam mê. |
Trong thời kháng chiến chống đế quốc xâm lược, có khoảng 3.000 cán bộ, giáo viên được chi viện cho chiến trường miền Nam (1961-1975) và trên 9.000 nhà giáo phục vụ tại chỗ, vừa dạy học vừa chiến đấu trong vùng giải phóng. Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bao thế hệ nhà giáo đã kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam trong điều kiện mới; bằng nhân cách và trí tuệ họ đã và đang giáo dục, đào tạo nhiều thế hệ tri thức cho đất nước…
Thầy Nguyễn Đinh, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Phổ, nguyên giáo viên Trường cấp 2 số 1 Đức Phổ cho rằng, dạy học là một nghề, nhưng đó là một nghề đặc thù, bởi nó gắn liền với những chuẩn mực đạo đức nhất định, không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách làm người. Một thầy giáo dù có giỏi chuyên môn đến đâu, nhưng không có phẩm chất đạo đức và những chuẩn mực mô phạm thì không thể gọi là thầy giáo. Vì trong mỗi người thầy đều chứa đựng hai yếu tố cốt lõi, đó là tri thức và nhân cách. Nếu chỉ có tri thức thì đấy chỉ là người có nghề, còn trở thành nghề dạy học đòi hỏi phải có cốt cách và chuẩn mực của người thầy. |
Yêu thương đong đầy
Suốt 17 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục (1976-1993) đã để lại trong lòng thầy giáo Nguyễn Đinh, nguyên Bí thư Huyện ủy Đức Phổ những tình cảm sâu sắc về tình thầy trò, tình đồng nghiệp. Thầy giáo Đinh, chia sẻ: Trong những năm 1971-1975, tôi học tại Trường Sư phạm cấp 1 của tỉnh Quảng Ngãi, rồi đến Trường Trung cấp Sư phạm Khu 5. Sau khi ra trường, được phân công về Phòng Giáo dục huyện Đức Phổ.
Tuy nhiên, với sức trẻ và mong muốn được đứng lớp, tôi xin ra giảng dạy cấp 2. Những năm đầu giải phóng, tỉnh ta còn rất khó khăn. Các thầy cô giáo cùng với phụ huynh, học sinh lên rừng chặt cây về làm trường. Trường học lúc bấy giờ chủ yếu bằng tranh tre, vách đất, nhưng học sinh rất ngoan và ham học. Sau những giờ học, thầy trò cùng nhau tăng gia sản xuất để bữa ăn thêm đủ đầy hơn.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Di Lăng số 1 (Sơn Hà) vẫn không thể quên những tháng ngày cắm bảng tại Trường Tiểu học Sơn Thượng (Sơn Hà). Cô Ngọc nhớ lại, trước đây, cô không có ý định theo nghề giáo. Sau một thời gian làm nghề may, cô được gia đình động viên đi học sư phạm, bởi gia đình có truyền thống theo nghề giáo và hầu như các anh chị em, dâu rể đều là giáo viên.
Đến với nghề giáo rất đỗi ngẫu nhiên, nhưng với sức trẻ, cô Ngọc đã nỗ lực vượt qua những khó khăn để mang con chữ đến với các em vùng cao. Cô Ngọc bộc bạch: Mùa mưa, tôi phải lội bộ hơn 2 tiếng đồng hồ đường đồi, suối mới đến điểm lẻ giảng dạy. Nhờ biết tiếng Hrê, nên tôi thuận lợi trong việc tiếp cận học sinh. Các em hồi ấy rất ngoan và ham học.
Với kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ, cô Ngọc luôn dành tình yêu thương và dạy học bằng cả tâm huyết. Nhờ vậy, các thế hệ học sinh do cô Ngọc dạy học phần lớn đều trưởng thành trong công việc và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Chia sẻ về nghề dạy học, cô Ngọc thổ lộ: Lứa tuổi học trò luôn muốn tìm tòi, khám phá những điều xung quanh. Vì vậy, giáo viên phải dạy các em bằng trái tim và sự hiểu biết tâm sinh lý của trẻ để hướng các em theo một chuẩn mực. Cũng theo cô Ngọc, điều làm cô Ngọc trăn trở đó là, trong ngành giáo dục hiện nay vẫn còn một số "hạt sạn" làm ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh và xã hội.
Vậy nên, ngành giáo dục và xã hội cần chung tay loại bỏ những "hạt sạn" ấy, để phát huy truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta, góp phân nâng cao chất lượng sự nghiệp trồng người.
Bài ảnh: TRỊNH PHƯƠNG