(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ đến năm 2020 trong hệ thống giáo dục Quốc dân (gọi tắt là đề án) của Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục tỉnh ta đã bước đầu triển khai và mang lại hiệu quả nhất định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Việc triển khai đề án này là nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh đồng bộ trong hệ thống giáo dục công lập theo hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12), thay hệ 7 năm (từ lớp 6 đến lớp 12) trước đây, giúp học sinh cuối các cấp học đạt năng lực ngoại ngữ (nghe, đọc, nói, viết) theo quy định của Bộ GD&ĐT...
Năng lực giao tiếp được nâng lên
Đã cuối giờ, nhưng tiết dạy môn tiếng Anh của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên ở lớp 3H, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) vẫn rộn ràng. Cô Liên cho biết: "Dạy theo phương pháp đổi mới, thông qua các thiết bị CNTT đã giúp các em năng động, sôi nổi, hào hứng hơn trong mỗi tiết học. Nhờ đó, các em phát triển khá nhanh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; mạnh dạn khi giao tiếp, kể cả với người nước ngoài”.
Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo thực hiện đề án này từ năm 2012. Lúc bấy giờ, đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở trường cũng khá bỡ ngỡ, nhưng sau khi được tập huấn, bồi dưỡng thì năng lực chuyên môn của giáo viên được nâng lên đáng kể. “Qua tập huấn và tự học theo các tài liệu khung tham chiếu Châu Âu đã giúp cho giáo viên nâng cao các kỹ năng dạy...”, cô Liên bộc bạch.
Học sinh ở Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo trong tiết học môn tiếng Anh. |
Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo Nguyễn Việt Hồng Hoa, cho biết: Trường có 5 giáo viên dạy tiếng Anh đều đạt trình độ B2 (cấp độ Anh ngữ trong khung tham chiếu ngôn ngữ chung Châu Âu), mỗi giáo viên dạy 4 tiết/tuần, đúng yêu cầu của Đề án. Nhà trường còn đầu tư máy đĩa, bút chấm đọc, mỗi phòng học đều có tivi kết nối đường truyền Internet, nhằm hỗ trợ dạy và học. Nhờ đó, chất lượng học tập của học sinh cũng được nâng lên. Nếu năm học 2012 -2013, trường có 2 em đạt giải Olimpic tiếng Anh cấp quốc gia, thì năm học 2016 - 2017 có đến 10 em đạt giải. Nhiều em tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh với người nước ngoài.
Chuẩn bị triển khai đại trà Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Hữu Tháp, cho rằng: Khi tiếp nhận Đề án ngoại ngữ 2020, Sở đã triển khai đến 100% cơ sở giáo dục, trường học; rà soát năng lực tiếng Anh của giáo viên để có cơ sở tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kết hợp ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngoại ngữ. Năm học 2017 – 2018, có 100% trường tiểu học trong tỉnh thực hiện đề án, nhưng không phải bắt buộc. Sở chỉ đạo nơi nào đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, giáo viên thì triển khai. Năm học 2018 – 2019 sẽ triển khai đại trà. |
Những kết quả từ huyện điểm
Sở GD&ĐT chọn huyện Mộ Đức để triển khai điểm, việc thực hiện đề án từ năm học 2012 - 2013. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tài, cho biết: Đến nay, phòng đã triển khai đề án từ lớp 3 đến lớp 8, trong đó có 20 trường tiểu học với 42 giáo viên, đạt trình độ B2 tiếng Anh (chiếm hơn 90%) và 15 trường THCS với 60 giáo viên, đạt trình độ B2 (chiếm hơn 93%). Với đội ngũ giáo viên hiện có đã đáp ứng được yêu cầu dạy học tiếng Anh 4 tiết/tuần theo đề án.
Khi triển khai đề án, nhiều giáo viên tiếng Anh ở huyện Mộ Đức chưa đạt trình độ B2, dạy học theo phương pháp truyền thống, chủ yếu là dạy kỹ năng đọc và viết; phòng học, thiết bị đều thiếu... Thực hiện chỉ đạo của Sở, Phòng GD&ĐT huyện Mộ Đức đã huy động toàn bộ giáo viên tiếng Anh tham gia các lớp tập huấn về phương pháp đổi mới cách dạy và học, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đầu tư thiết bị, phòng học...
Mỗi trường đều thành lập CLB tiếng Anh học sinh và giáo viên, mỗi tháng sinh hoạt từ 1-2 lần, nhằm giúp các em phát huy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và giúp các thầy cô giáo hoàn thiện các kỹ năng trong phương pháp đổi mới dạy tiếng Anh. Một số trường triển khai đổi mới trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của các em theo định hướng của đề án là nghe, đọc, nói, viết. Như Trường THCS Nguyễn Trãi đã áp dụng phương pháp đổi mới này khá hiệu quả. Năm học 2015 - 2016, trường có 2 học sinh đạt giải Tài năng tiếng Anh cấp tỉnh và 7 học sinh thi đỗ vào lớp chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Khiết.
Bài, ảnh: MAI HẠ