(Báo Quảng Ngãi)- Trong 4 năm qua, Quảng Ngãi không tuyển mới giáo viên. Trong khi đó, giáo viên đến tuổi nghỉ hưu, sinh viên sư phạm ra trường ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2017 – 2018, Quảng Ngãi thiếu hơn 1.000 giáo viên (trong biên chế) ở các bậc học. Để đảm bảo công tác giảng dạy, nhiều trường phải ký hợp đồng với giáo viên mới ra trường và kéo dài nhiều năm qua, khiến nhiều trường hợp rất lo lắng...
Mỏi mòn chờ... ổn định
Thông tin tỉnh chuẩn bị tổ chức thi tuyển giáo viên, cô giáo N, Trường THCS Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) rất phấn khởi, bởi 5 năm qua cô chỉ là giáo viên hợp đồng. Cô N, bộc bạch: Ra trường có việc làm là may mắn, nhưng dạy hợp đồng mãi, tâm lý cũng bất an. Năm nay, nghe tỉnh tổ chức thi tuyển nên rất vui, nhưng đồng thời cũng rất lo, vì bắt buộc mỗi thí sinh phải trải qua hai phần thi là tin học và ngoại ngữ, nhưng lại không có ưu tiên gì cho những giáo viên đã dạy hợp đồng lâu năm.
Mạng lưới trường lớp học ngày càng mở rộng, nhưng do tỉnh không tuyển biên chế nên vùng cao thiếu khá nhiều giáo viên. |
Cùng tâm trạng này, chị T, ở huyện Ba Tơ cũng lo lắng không kém. Chị T đã hợp đồng làm văn thư, kế toán ở các Trường Tiểu học Ba Động, THCS Ba Liên đã hơn 7 năm. Chị T, chia sẻ: Hợp đồng từ thời còn trẻ chưa có chồng, đến nay đã có hai con, chồng không may bị mất, nhưng nay buộc phải thi, nên cũng rất lo, nếu thi không đỗ coi như không có việc làm để nuôi con. Cũng theo chị T, giờ về kinh nghiệm chuyên môn thì chị có thừa, nhưng phải thi kiến thức tiếng Anh, tin học thì có lẽ cơ may không nhiều...
Mệt mỏi vì thiếu chỉ tiêu
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng, trăn trở: Đa số những giáo viên được hợp đồng đều rất tâm huyết với nghề, luôn nỗ lực để khẳng định bản thân trong mọi hoàn cảnh. Có trường hợp mới sinh nở, thay vì nghỉ 6 tháng thì đến tháng thứ 3 đã xin đi dạy trở lại. Phòng rất trăn trở về những trường hợp này, nhưng do hơn 4 năm qua không thi tuyển, nên phòng đành phải hợp đồng kéo dài. Năm học 2017 - 2018, toàn huyện thiếu hơn 166 giáo viên ở ba cấp học. Tuy nhiên, trong thực tế thì phòng đã hợp đồng đến 113 giáo viên và hợp đồng thời vụ khoảng 53 giáo viên. Sắp đến, việc tuyển dụng giáo viên chắc chắn cũng sẽ để lại nhiều điều khó xử đối với phòng về những giáo viên đã hợp đồng lâu năm, nhưng thi không đỗ. Vì vậy, phòng đề nghị tỉnh nên có điểm ưu tiên cho những giáo viên đã ký hợp đồng dạy lâu năm.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, năm học 2017- 2018, huyện cũng thiếu khoảng 36 giáo viên. Đặc thù của huyện là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, không thể dạy thế, dạy ghép nên phòng đã hợp đồng ngắn hạn với giáo viên. Trong năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành cũng đã ký hợp đồng với khoảng 120 giáo viên mới đảm bảo công tác giảng dạy...
Nguyên nhân chính trong việc thừa, thiếu giáo viên là do ngành không tuyển dụng giáo viên từ năm 2014 đến nay. Trong khi đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu theo chế độ và xin thuyên chuyển công tác khá nhiều. Mạng lưới trường lớp ngày càng mở rộng, học sinh đến trường ngày càng đông, dẫn đến thiếu hụt giáo viên, nhiều trường phải xin chủ trương hợp đồng giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy.
Tuyển dụng hơn 1.660 giáo viên Trong kỳ thi tuyển giáo viên sắp đến, toàn tỉnh sẽ tuyển dụng hơn 1.660 giáo viên; trong đó, bậc học mầm non tuyển 527 giáo viên, tiểu học 629 giáo viên, THCS 324 giáo viên, THPT 168 giáo viên, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện và thành phố tuyển 15 giáo viên. Tất cả giáo viên phải thi tin học và ngoại ngữ trên máy vi tính (vòng 1) được tổ chức toàn tỉnh tại một điểm thi; sau khi giáo viên nào đạt 50 điểm trở lên thì xem như vượt qua vòng 1 và sẽ tiếp tục bước vào vòng thi thứ 2. Kỳ thi vòng 2 được phân cấp cho huyện, thành phố tổ chức thi tuyển giáo viên từ bậc mầm non đến THCS; Sở GD&ĐT sẽ tổ chức thi tuyển giáo viên bậc THPT. Thời gian thi tuyển diễn ra trong tháng 11.2017. |
Bài, ảnh: MAI HẠ