(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nhiều trường học triển khai mô hình VNEN. Cũng giống như ở nhiều tỉnh, thành, việc triển khai mô hình VNEN ở Quảng Ngãi có những ý kiến trái chiều, chưa tạo được sự lan tỏa, thống nhất cao.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một số trường học trong tỉnh, sau một hoặc hai năm triển khai mô hình VNEN, đến năm học 2017-2018 số lớp học áp dụng mô hình này giảm. Nhiều phụ huynh chưa tích cực hưởng ứng mô hình VNEN, thậm chí có người xin cho con chuyển trường để không học mô hình này.
Cách đánh giá chưa phù hợp?
Tại Trường THCS Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), năm học này có khối lớp 8 (226 HS) học mô hình VNEN. Trường có hai lớp 6 (73HS) trong năm học trước áp dụng VNEN, năm học này chuyển sang cách dạy học truyền thống. Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Kỳ Phạm Nhân Tạo cho biết, một trong những lý do khiến phụ huynh lo lắng khi có con học chương trình VNEN là do phụ huynh cho rằng cách đánh giá năng lực học sinh chưa phù hợp.
Theo mô hình VNEN, học sinh nếu có môn học điểm trung bình dưới 5,0 thì xếp loại chưa hoàn thành môn học đó và phải kiểm tra lại mới được lên lớp, mặc dù điểm trung bình tất cả các môn 5,0 trở lên. Trường hợp học sinh kiểm tra lại vẫn không đạt điều kiện, thì việc lên lớp hay không do hiệu trưởng quyết định. Trong khi đó, cách đánh giá đối với học sinh không học theo VNEN, điểm trung bình các môn 5,0 trở lên học sinh được lên lớp, dù cho có môn dưới 5,0, chỉ bị thi lại khi có môn dưới 3,5. Ngoài ra, phụ huynh cũng cho rằng, học theo mô hình VNEN ít làm bài kiểm tra, dẫn đến HS lười học.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) học theo mô hình VNEN. Ảnh: P.Lý |
Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Thương: “Với cách đánh giá của VNEN, có nhiều học sinh chưa đạt yêu cầu phải kiểm tra lại. Phụ huynh có sự so sánh với cách đánh giá truyền thống ở cùng một khối lớp trong một trường học, dẫn đến tâm lý không yên tâm”. Huyện Sơn Tịnh có 2 trường tiểu học, 2 trường THCS triển khai VNEN. Tại Trường THCS Tịnh Thọ, 100% lớp học khối 7 áp dụng VNEN, riêng đối với khối lớp 6, lớp 8 áp dụng khoảng 50% số lớp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Nhân Tạo: “Đánh giá theo VNEN có cái hay là học sinh yếu ở môn nào nhà trường tổ chức bồi dưỡng, bổ sung kiến thức ngay môn đó, với cách đánh giá không áp dụng VNEN thì dù có môn điểm trung bình chỉ 3,6 cũng vẫn lên lớp mà không được bồi dưỡng kiến thức kịp thời”.
Đổi mới phải đồng bộ
Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường áp dụng mô hình VNEN cho rằng, việc đổi mới chưa đồng bộ dẫn đến gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Sĩ số học sinh trong một lớp học quá đông, phòng ốc chật hẹp, nên việc triển khai mô hình VNEN không được như mong muốn. Cô giáo Lê Thị Thùy Chinh (Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội, Trường THCS Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi), cho biết: “Trong 1 tiết học với số lượng học sinh quá đông, giáo viên gặp khó khăn trong việc theo dõi, hướng dẫn, không thể hướng dẫn, nhận xét hết từng em theo quy định, điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.
Mô hình VNEN đòi hỏi phải bố trí phòng riêng cho mỗi một lớp học. Trong khi đó, một số trường thiếu phòng học, nên phải dừng việc giảng dạy theo mô hình VNEN, chuyển sang dạy học theo phương pháp truyền thống để hai lớp thay phiên sử dụng một phòng học. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, áp dụng phương pháp dạy và học hiện đại thì cần phải đầu tư trang thiết bị tương xứng, có vậy mới đảm bảo hiệu quả. Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh áp dụng VNEN, nhưng giáo viên thì dạy “chay”, học “chay”.
Thúc đẩy tính chủ động, tương tác của học sinh
Cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường đều nhận định mô hình VNEN có ưu điểm vượt trội, tạo cho học sinh tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Học sinh có tinh thần hợp tác, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đối với học sinh học theo mô hình VNEN, khi các em ý thức được việc học thì kết quả học tập đạt cao. “Nếu tổ chức giảng dạy theo đúng nghĩa của mô hình VNEN, đội ngũ giáo viên tận tâm tận lực, đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở vật chất… thì sẽ đào tạo được thế hệ học sinh chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong xử lý kiến thức, phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng nêu quan điểm.
Ông Trương Quang Dũng cho biết thêm, Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa chỉ đạo đối với những trường học đảm bảo tốt các điều kiện thì tiếp tục tổ chức giảng dạy theo mô hình VNEN, phải quyết tâm để đạt chất lượng dạy và học. Đối với những trường không dạy học theo VNEN, phải đến các trường có tổ chức dạy học theo VNEN để học hỏi những cái hay từ mô hình này.
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 15 trường tiểu học với 197 lớp, 4.774 học sinh; 28 trường THCS với 187 lớp, 5.776 học sinh học mô hình VNEN. Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu đề nghị các trường học tích cực tuyên truyền, giải thích để phụ huynh hiểu rõ ưu điểm của mô hình VNEN; tiếp tục duy trì và áp dụng cái hay từ mô hình VNEN để nâng cao chất lượng giáo dục.
P.Lý-Tr.Ân