(Báo Quảng Ngãi)- Dù có nhiều chỉ đạo của ngành chức năng sau sắp xếp, sáp nhập, nhưng hiện nay phần lớn các Trung tâm dạy nghề-Giáo dục thường xuyên và Hướng nghiệp (DN-GDTX&HN) trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Làm việc với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm DN -GDTX&HN huyện Tư Nghĩa Lê Hoài Phúc, cho rằng: Khi sáp nhập, đơn vị không thay đổi về con người, chức năng hoạt động. Với 15 cán bộ, giáo viên, trung tâm phải thực hiện nhiệm vụ: Dạy văn hóa THPT, hướng nghiệp - dạy nghề cho học sinh THCS, THPT và dạy nghề nông thôn. Về công tác quản lý thì có sự thay đổi lớn. Trước đây, Sở GD&ĐT quản lý về chuyên môn GDTX, Sở LĐ-TB&XH quản lý về đào tạo nghề...
Vì thiếu giáo viên cơ hữu, một số trung tâm đã liên kết với các trường đào tạo nghề dạy nghề, hướng nghiệp cho các học sinh THPT. Ảnh: M .H |
Nguồn kinh phí hoạt động tương đối khá, nên ngoài giáo viên trong biên chế, trung tâm còn hợp đồng một số giáo viên bên ngoài để dạy, do số lượng học sinh nhiều, nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên ít. Sau khi sáp nhập, trung tâm chịu sự quản lý của huyện về con người và kinh phí; còn hoạt động chuyên môn vẫn chịu sự giám sát của các sở.
Năm 2017, kinh phí huyện Tư Nghĩa phân bổ cho trung tâm rất ít so với mọi năm, trong khi số lượng học sinh, học viên đến với trung tâm vẫn không giảm. Năm học 2016 – 2017, trung tâm có khoảng 100 học sinh học GDTX; hơn 1.500 học sinh học nghề phổ thông; phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, giáo viên của trung tâm phải nỗ lực mỗi người làm việc bằng hai.
Với các huyện miền núi, kể từ ngày sáp nhập, hầu hết các trung tâm đều hoạt động cầm chừng, cơ sở vật chất phòng ốc, thiết bị phục vụ dạy học thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề, đào tạo nghề nông thôn đều không sử dụng hết công suất. Trung tâm DN–GDTX&HN huyện Sơn Hà cũng lâm vào tình trạng trên.
Giám đốc trung tâm Đinh Văn Thành, cho hay: Sau khi sáp nhập đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Công tác GDTX, đào tạo nghề nông thôn... đều thiếu học viên. Năm 2017, trung tâm chỉ có khoảng 20 em đến học văn hóa, không có học viên đăng ký học nghề nông thôn...
Nguyên nhân theo ông Thành, với vùng cao, học sinh đầu vào bậc THPT chỉ xét tuyển, có năm còn thiếu chỉ tiêu, nên không có học sinh theo học GDTX. Về đào tạo nghề nông thôn, hiện không có giáo viên cơ hữu, trung tâm phải hợp đồng với cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Sơn Hà đến dạy thì lại vướng trùng chi, nên hiện các hoạt động tại đây đều cầm chừng. “Trung tâm có 8 phòng chức năng, 2 nhà xưởng, thiết bị phục vụ cho học nghề mộc, may, xây dựng, cơ khí... đang để lãng phí”, ông Thành cho biết.
Đây cũng là thực trạng chung ở các huyện miền núi trong tỉnh và cả huyện trung du Nghĩa Hành. Trên địa bàn huyện Nghĩa Hành hiện có đến 3 trường THPT, nên đối tượng đến theo học tại trung tâm không nhiều. Công tác đào tạo nghề gặp khá nhiều khó khăn. Giám đốc Trung tâm Tăng Ngọc Thiên, cho biết: Hiện trung tâm chỉ thực hiện chức năng hướng nghiệp cho học sinh, còn lại các chức năng hoạt động dạy nghề nông thôn và GDTX đều cầm chừng. Vì vậy, các thiết bị học nghề điện, may, xây dựng... đều không sử dụng.
MAI HẠ