(Baoquangngai.vn)- Trong khi một số huyện miền núi “nói không” với chính sách cử tuyển thì tại huyện Sơn Tây đã có kế hoạch đào tạo phù hợp, gắn với nhu cầu sử dụng sau khi tốt nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương.
Cầm trên tay tấm bằng cử nhân ngành Kinh tế phát triển của Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, em Đinh Thị Neo ở xã Sơn Mùa vui mừng khôn xiết khi vừa được huyện Sơn Tây xét chọn tuyển dụng vào biên chế công chức xã và bố trí công tác ngay tại địa phương mình.
Với những kiến thức được trang bị trên giảng đường đại học, sau một tuần học việc, Neo đã nhanh chóng hoà nhập với công việc hành chính của chính quyền địa phương.
Neo tâm sự: “4 năm học ở trường đại học em đã rất cố gắng nỗ lực để theo kịp chương trình. Ra trường được bố trí công tác gần nhà, mức lương khởi điểm cộng với phụ cấp được hơn 5 triệu đồng/tháng, em rất vui và mong được các cấp lãnh đạo tạo điều kiện, giúp em vận dụng những kiến thức đã học để góp sức xây dựng quê hương”.
Năm 2016, đơn vị đã tiếp nhận 1 sinh viên cử tuyển về công tác. Qua 1 năm công tác, sinh viên này đã thể hiện được năng lực công tác tốt, có trách nhiệm, năng động. Với sinh viên Đinh Thị Neo vừa đến nhận công tác, lãnh đạo địa phương cũng rất kỳ vọng.
|
Em Đinh Thị Neo, 1 trong 5 sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển được bố trí vào công chức xã. Ảnh: A.KIỀU |
"Việc đưa con em người dân tộc đi học theo chế độ cử tuyển là động lực cho các em phấn đấu trong học tập, nâng cao trình độ dân trí, còn góp phần tạo nguồn nhân lực phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn"- ông Đinh Xuân Bình- Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa chia sẻ.
Có thể khẳng định chính sách cử tuyển đã thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ nguồn cán bộ được đào tạo từ chế độ cử tuyển, các địa phương đã khắc phục được tình trạng thiếu cán bộ.
Nhiều lãnh đạo chủ chốt của các địa phương hầu hết là học sinh cử tuyển. Tuy nhiên, việc cử sinh viên đi đào tạo kém khoa học, tràn lan không bảo đảm chất lượng, không căn cứ vào nhu cầu thực tế đã dẫn đến khủng hoảng thừa ở nhiều nơi, dẫn đến “nói không” với chính sách này.
Riêng ở huyện Sơn Tây, nhiều năm qua, việc cử sinh viên đi đào tạo có sự chọn lọc ngành nghề và thu hẹp đối tượng, chứ không nên tràn lan, gắn với nhu cầu nhu cầu thực tế việc làm tại địa phương.
Sơn Tây đã hạn chế cử tuyển ngành sư phạm và y khoa, hai ngành này đòi hỏi chất lượng chuyên môn cao mới có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nên không ưu tiên cử tuyển đối với hai ngành trên. Thay vào đó là cử đi đào tạo các ngành đang cần tại các địa phương như kinh tế, nông nghiệp, hành chính,… để sau khi tốt nghiệp bố trí vào đơn vị hành chính, sự nghiệp hoặc công chức xã.
|
Lãnh đạo huyện Sơn Tây trao quyết định tuyển dụng cho sinh viên cử tuyển. Ảnh: Thư VP. |
Ông Lê Văn Tùng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Huyện Sơn Tây xác định đầu ra rồi mới xét cử đi, không cử đi tràn lan, căn cứ vào đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị để bố trí đi học những ngành cần thiết, để đảm bảo được chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu công việc.
Việc đề xuất chỉ tiêu đào tạo hệ cử tuyển căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế đối với vị trí việc làm là công chức; nhu cầu công việc, vị trí việc làm, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong 3 năm, từ năm 2014 - 2017, toàn huyện Sơn Tây có 10 em sinh viên hệ cử tuyển tốt nghiệp ra trường. Huyện vừa xét chọn, sắp xếp bố trí cho 5 em sinh viên vào công chức xã, trong đó, xã Sơn Dung 2 sinh viên, Sơn Lập 1 sinh viên, Sơn Mùa 1 sinh viên và Sơn Bua 1 sinh viên, số còn lại huyện đang cân đối, sắp xếp, bố trí công tác trong thời gian tới, phù hợp với trình độ chuyên môn được đào tạo.
Việc bố trí việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp diện cử tuyển không thông qua hình thức thi tuyển công chức, viên chức mà căn cứ vào số lượng biên chế để làm cơ sở bố trí sinh viên đi học cử tuyển để làm cơ sở sau khi ra trường tuyển dụng, bố trí việc làm phù hợp.
Việc thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển dụng người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích, động viên và nâng cao tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực về vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp.
Bài, ảnh: A.KIỀU