Thi THPT quốc gia 2017: Cần chuẩn bị tâm lý cho học sinh

06:06, 21/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như mọi năm, khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia có rất nhiều học sinh, phụ huynh vừa kỳ vọng, nhưng cũng hết sức lo lắng, bởi lẽ kết quả thi sẽ quyết định đến tương lai của các em.           

TIN LIÊN QUAN

Hiện nay, thời tiết nắng nóng thất thường, nhiệt độ cao... là điều kiện để các loại bệnh đường ruột, cảm nắng... phát sinh, trong khi đây lại là giai đoạn các em học sinh lớp 12 phải dồn sức cho kỳ thi, nên chắc chắn sức đề kháng sẽ không tốt. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phạm Đức Dũng khuyến cáo: Phụ huynh và học sinh cần coi trọng sức khỏe, vì nếu tập trung vào việc học mà đến ngày thi không đảm bảo sức khỏe để thi, cũng không phải là tốt. Vì vậy, trước, trong và sau kỳ thi, các em phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, không nên ăn thức ăn đường phố, không thay đổi nhiệt độ quá đột ngột, tránh để quạt trực tiếp vào người...

Các em học sinh lớp 12 học nhóm,  trao đổi bài và tạo tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.
Các em học sinh lớp 12 học nhóm, trao đổi bài và tạo tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi.


Trong những ngày tham gia thi cần có các biện pháp chống say nắng bằng cách uống đủ nước, tăng cường vitamim C, không lạm dụng nước đá... Uống thêm các loại nước trái cây có nhiều vitamin để tăng sức đề kháng, hạn chế uống nước ngọt có gas vì dễ làm căng thẳng thần kinh, đầy bụng và chán ăn. Ngoài ra, phụ huynh cần phải quan tâm đến chất lượng bữa ăn và giấc ngủ cho con. Trong bữa ăn phải đủ nhóm bột đường, chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất...

Các chuyên gia tâm lý cũng khuyến cáo, trước kỳ thi học sinh không nên thức khuya và dậy sớm để ôn bài. Vì như vậy rất dễ dẫn đến ngủ không đủ giấc, tinh thần sẽ mệt mỏi, lo âu. Từ đó ảnh hưởng lớn đến khả năng nhận biết đề và nhớ kiến thức để làm bài. Trưởng bộ môn Tâm lý Khoa sư phạm Xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) thầy Nguyễn Văn Kính, cho hay: Bước vào kỳ thi các em phải chuẩn bị một tinh thần thoải mái, thả lỏng người, tránh ngồi một chỗ học tập liên tục, nên kết hợp giữa ôn tập và thư giãn, tập thể dục, chia sẻ áp lực ôn tập thi cử với cha mẹ, thầy cô và bạn bè, tránh những chuyện có thể gây sốc về tâm lý; không nên quá lo lắng, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, trước khi bước vào kỳ thi các em nên hệ thống lại kiến thức bài học, tự tin bước vào phòng thi. Trước khi làm bài phải đọc kỹ đề thi, sử dụng hết các kỹ năng, phương pháp đã học để làm bài.

Giảng viên chính bộ môn Giáo dục học- Khoa sư phạm Xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) Lê Quang Hoạt thì nhận định: Tâm lý chung khi các em bước vào phòng thi đều gặp tình trạng hồi hộp, tim đập loạn nhịp... Để giải tỏa căng thẳng này, các em phải nhanh chóng trấn an mình, cho rằng đó là những kiến thức mình đã học, khi tinh thần ổn định, sẽ dễ dàng tái hiện kiến thức. Mặt khác, các giám thị coi thi cũng cần tạo cho các em tâm lý thoải mái trước khi phát đề thi, tránh những "lời nói sốc" gây căng thẳng cho các em.

Cũng theo thầy Hoạt, đây là năm thi có nhiều môn trắc nghiệm, các em nên học đều, nắm chắc kiến thức sách giáo khoa. Bình tĩnh hệ thống lại kiến thức, học xen kẽ, đừng sợ quên. Khi vào làm bài, kiến thức sẽ được tái hiện. Khi làm bài thi trắc nghiệm phải chọn câu dễ làm trước, câu khó để sau. Trong tình huống bất khả kháng không làm được, thì đành đánh may rủi, nhưng phải dựa vào linh cảm đầu tiên nhận biết câu đúng để chọn.

Các em cần chuẩn bị dụng cụ thi, giấy tờ dự thi đầy đủ và đến phòng thi sớm để chủ động thời gian, tránh sự cập rập, lo lắng, hồi hộp. Vào phòng thi, các em hãy tập trung vào bài làm, đọc kỹ đề, bình tĩnh suy nghĩ, phân tích, phân bố thời gian làm bài hợp lý, với tinh thần tích cực, thoải mái. Thầy Hoạt cho rằng, các bậc phụ huynh không nên áp đặt lên con những kỳ vọng quá lớn, hoặc để con “tự bơi”, mà cần  đồng hành với con mình, giúp con có một sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái để bước vào kỳ thi. Sau kỳ thi, phụ huynh cũng cần theo dõi sát diễn biến tâm lý của con để có cách phòng ngừa những điều đáng tiếc có thể xảy ra một khi làm bài thi không tốt, hoặc các em có tâm lý xả hơi sau kỳ thi bằng cách đi tắm biển, sông, đến những khu vực có thể nguy hiểm đến bản thân.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN



 


.