(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, trung tuần tháng 6.2017, Phòng GD&ĐT thành phố sẽ có báo cáo đầy đủ về tình hình dạy thêm, học thêm của thành phố sau khi chấn chỉnh, cũng như đề xuất những biện pháp, giải pháp, kể cả kiến nghị với cấp trên... Đây cũng là cơ sở để ngành giáo dục thành phố sẵn sàng bước vào năm học mới 2017-2018.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dạy thêm, học thêm bắt đầu từ hai yếu tố cung và cầu, nhưng con đường hình thành nhu cầu học thì khác nhau. Đa số việc học thêm là để bổ sung, mở rộng, nâng cao kiến thức, phát huy tự học của học sinh; chỉ một phần còn lại học thêm là để đối phó với thầy cô, cả phụ huynh và có thể còn vì một số nguyên nhân nhạy cảm khác... mà gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.
Về tính pháp lý của việc dạy thêm, học thêm, ngày 16.5.2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm. Cuối năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 51 và năm 2014 ban hành Quyết định số 56 quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Ngày 29.12.2016, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố ra quân chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm. Đối với TP.Quảng Ngãi, được sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Phòng GD&ĐT thành phố xây dựng kế hoạch, các trường tiểu học và THCS trực thuộc tổ chức thực hiện, thành lập các tổ kiểm tra và quyết tâm thực hiện chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định.
Trước ngày 10.4.2017 (thời điểm Phòng GD&ĐT thành phố ban hành thông báo dừng việc dạy thêm ngoài nhà trường, ở nhà...), TP.Quảng ngãi có gần 400 giáo viên tiểu học và THCS dạy thêm ở nhà, ngoài nhà trường (kể cả giáo viên tiểu học chăm sóc, kèm cặp các cháu thay cho phụ huynh). Trong đó, giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS ở trung tâm thành phố như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm, Trương Quang Trọng và Trần Phú... chiếm số lượng lớn; có trường có đến 60% giáo viên dạy thêm.
Đến nay, sau một thời gian thực hiện, việc dạy thêm ở nhà, ngoài nhà trường trái quy định cơ bản đã được hạn chế. Các trường THCS đã tích cực tổ chức đưa các em học sinh có nhu cầu học thêm vào dạy trong nhà trường (có 20/23 trường có giấy phép). Trong quá trình chấn chỉnh, toàn ngành chấp hành nghiêm túc, đa số là đồng tình. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến khác, trái chiều, phản ánh liên quan về dạy thêm ở bậc tiểu học, việc thầy cô chăm sóc, kèm cặp thay cho bậc cha mẹ, chất lượng học sinh giỏi, quyền được lao động nghề nghiệp của giáo viên... Đây là những thông tin quý đối với công tác quản lý ngành, quản lý nhà nước về giáo dục, để có những giải pháp hợp tình, hợp lý đối với vấn đề khá nhạy cảm này.
Trước khi các cấp, ngành có những biện pháp, giải pháp giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra, chúng tôi có ý kiến trao đổi thêm. Theo Thông tư 17, giáo viên tiểu học và THCS không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Công việc chăm sóc, kèm cặp các cháu thay cho phụ huynh, theo Thông tư 17 cũng là hình thức dạy thêm, học thêm. Việc giáo viên THCS đi dạy tại các trung tâm dạy thêm cũng sai quy định, vì tất cả các trung tâm dạy thêm tại TP. Quảng Ngãi hiện nay chưa được cấp phép. Và còn những điều khoản khác trong Thông tư 17 cũng cần phải căn cứ thực hiện!
Hiện nay, ngành giáo dục TP. Quảng Ngãi đang tiếp tục tuyên truyền, quán triệt gắn với việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm túc đối với các trường hợp sai phạm để việc chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố trở thành phong trào lan tỏa, đồng thuận trong xã hội. Mặc khác, tiếp tục lắng nghe những phản ánh từ nhiều phía, nhằm chuẩn bị tổ chức Hội nghị với đại diện bậc cha mẹ, phụ huynh học sinh trong thời gian tới.
NGUYỄN VĂN ANH