Bạo lực học đường "len lỏi" vào bậc tiểu học

02:05, 09/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) mặc dù đã đề cập nhiều, nhưng thực tế vẫn diễn ra với mức độ và tính chất của hành vi ngày càng nguy hiểm. Không chỉ xảy ra đối với học sinh trung học, mà hiện nay BLHĐ đã “len lỏi” vào trong cả môi trường của học sinh tiểu học.

"Vết sẹo" trong tâm hồn trẻ thơ

Mới đây, chúng tôi không khỏi xót xa khi nghe em N.P.L, một học sinh tiểu học kể chuyện thường xuyên bị các bạn đánh ngay trong lớp học. Em L. giàn giụa nước mắt, nói: "Giờ ra chơi, con bị các bạn nữ đánh, ném cặp ra ngoài sân trường. Không chỉ có một lần, mà trên lớp học con thường xuyên bị các bạn ấy bắt nạt". Không chỉ có câu chuyện của L, mà gần đây nhiều phụ huynh có con học tiểu học cũng bày tỏ búc xúc trước tình trạng con em mình nhiều lần bị bạn đánh. Có trường hợp học sinh bắt ép bạn học cùng lớp phải gọi mình là "anh" hoặc "chị"...

Biết rằng các em đang ở lứa tuổi "học ăn, học nói", tuy nhiên đây không còn là câu chuyện của trẻ con mà thuộc về trách nhiệm của người lớn. Nếu không có sự giáo dục, uốn nắn kịp thời, hệ quả không chỉ là những sai lệch về hành vi, nhận thức của con trẻ mà còn để lại những "vết sẹo" khó xóa mờ trong tâm hồn, nhân cách của mỗi đứa trẻ bị bạo hành.

Cần quan tâm giáo dục trẻ      

Phó trưởng Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), thạc sĩ Nguyễn Đăng Động, cho rằng: “Học sinh tiểu học còn ít tuổi, các em chưa có đủ nhận thức, hiểu biết và kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hằng ngày, rất dễ bị lôi cuốn bởi những hành vi khiêu khích, bạo lực từ phim ảnh, games online, hay chính những hành vi bạo lực xảy ra xung quanh ảnh hưởng đến các em...”.

Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Động, con trẻ đánh nhau không thể xem nhẹ đó là trò của trẻ con. Bởi đó có thể là mầm mống cho những hành vi bạo lực sau này. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến con em, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con em để kịp thời giúp đỡ, uốn nắn những hành vi lệch lạc. Nhiều trường học chưa thực sự quan tâm đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chưa chú trọng xây dựng môi trường thân thiện, lớp học lành mạnh, an toàn cho các em. Trong khi đó môi trường xã hội hiện nay rất phức tạp, tệ nạn xã hội và những mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động xấu đến nhận thức, tình cảm và hành vi của nhiều trẻ em.  

Phụ huynh của em N.P.L mong muốn: “Cô giáo chủ nhiệm các lớp cần quan tâm hơn đến học sinh, vì trong thời gian các em học ở trường phụ huynh không thể theo dõi.  Không phụ huynh nào muốn con em mình là nạn nhân của BLHĐ, do đó rất mong sự quan tâm theo dõi học sinh từ phía nhà trường, để kịp thời có những uốn nắn”. Đồng tình với quan điểm trên, nhiều phụ huynh kiến nghị các trường học tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hướng đến hình thành các kỹ năng sống cho học sinh như: Kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng phòng vệ...

Để tránh xảy ra tình trạng BLHĐ cần sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục học sinh. Mỗi gia đình phải là môi trường giáo dục con trẻ về tình yêu thương và sự chia sẻ. Nhà trường là nơi giáo dục học sinh về những nguyên tắc ứng xử trong cuộc sống tập thể, biết tôn trọng những khác biệt của người xung quanh...

TRUNG ÂN
 


.