Đừng nhổ cỏ nhổ luôn cả lúa

10:04, 18/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Phòng Giáo dục TP Quảng Ngãi đang lập các đoàn để kiểm tra và phạt những trường hợp dạy thêm-học thêm trên địa bàn thành phố. Sẽ có những giáo viên bị “phạt oan” trong câu chuyện này vì họ dạy học không phải ép học sinh để lấy tiền đổi điểm mà là nhu cầu thực tế từ phía người học lẫn người dạy. Đừng vì cỏ dại mà nhổ luôn cả lúa.

 
Có những văn bản “cấm” là người dân chấp hành ngay, như chuyện đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy chẳng hạn, nhưng có những văn bản cấm mà người dân cứ phớt lờ. Vì các lệnh cấm ấy nó phi thực tế, hay nói đúng hơn là lệnh cấm ấy nó mang nặng tính áp đặt của người ra lệnh chứ không phải bắt nguồn từ nhu cầu bức thiết của người dân. Lệnh cấm dạy thêm-học thêm được Phòng Giáo dục TP.Quảng Ngãi ban hành mới đây là những ví dụ sinh động cho câu cửa miệng đang phổ biến hiện nay: “Quản không được thì cấm”.
 
Lệnh cấm dạy thêm-học thêm vừa ban ra chưa ráo mực đã nghe người dân phản đối rần rần. Dĩ nhiên, “người dân” ở đây được khoanh vùng trong phạm vi là những người có con đang đi học từ lớp 1 đến lớp 9 và những giáo viên đang dạy bậc tiểu học và trung học cơ sở. 
 
Có người đặt câu hỏi: Vì sao cũng cùng một “bầu trời” trong tỉnh mà lệnh cấm dạy thêm chỉ áp dụng ở thành phố còn các nơi khác thì không? Các nơi khác không có chuyện dạy thêm-học thêm sao? Vì sao cấm học thêm đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở còn trung học phổ thông thì lại không cấm? Chừng nào lãnh đạo Phòng Giáo dục trả lời cho được các câu hỏi trên đây một cách thấu đáo thì hãy triển khai, bằng không, chuyện cấm dạy thêm- học thêm cũng chỉ là chuyện ném đá ao bèo mà thôi.
 
Người dân phản đối là vì, lệnh cấm ấy làm đảo lộn mọi sinh hoạt hàng ngày của họ. Có nhiều trường hợp hai vợ chồng đều là công nhân làm việc xa địa bàn thành phố, 6-7 giờ tối mới về đến nhà, hai đứa con học lớp 1 và lớp 3, ngoài giờ học ở lớp, cha mẹ chúng phải cho các con “học thêm” ở nhà cô giáo đến 7 giờ tối, nghĩa là đến giờ bố mẹ chúng tan ca mới đến đón về. Thực chất, việc “học thêm” này là cô giáo quản giùm lũ trẻ, cô dạy chúng “thêm” được chữ nào tốt chữ ấy.
 
Những trường hợp “dạy thêm” này là xuất phát từ nhu cầu từ hai phía- người dạy và người học- chứ hoàn toàn không ép buộc. Nếu Phòng giáo dục ra lệnh cấm ấy có một cơ sở chuyên “giữ” bọn trẻ lúc tan trường đến khi cha mẹ các cháu đến đón về thì hẳn số phụ huynh nằm trong trường hợp đó sẽ hoan nghênh. Nhưng Phòng Giáo dục chỉ biết ra lệnh cấm, bất chấp khó khăn của người khác.
 
Một cán bộ của phòng giáo dục ra lệnh cấm ấy nói rằng, chỉ cấm với những giáo viên ép học sinh học thêm mà thôi! Vậy xin hỏi, những giáo viên dạy lâu năm, có uy tín về nghề, số học sinh đến học thêm không phải là những em đang theo học giáo viên dạy thêm ấy nhưng vẫn bị cấm thì nói sao đây? Trong những trường hợp như thế, không thể diệt cỏ dại bằng việc nhổ bỏ cả cỏ lẫn lúa được!
 
Một giáo viên phàn nàn, chương trình trong sách giáo khoa rất nặng, giáo viên không thể truyền đạt hết kiến thức trên lớp nên việc phải học thêm-dạy thêm là điều khó tránh khỏi.
 
Thế đấy, đủ các lý do để tồn tại chuyện dạy thêm-học thêm. Vấn đề là cơ quan quản lý phải chắt lọc ra đâu là cỏ dại đâu là lúa chứ không thể nhổ sạch hết được.
 
Dạy học là một nghề lương thiện, vì vậy, việc lập các đoàn kiểm tra để bắt giáo viên dạy thêm như bắt buôn lậu thì vô cùng phản cảm vậy.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.