Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Ảnh minh họa |
Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số
Văn bản yêu cầu chỉ đạo rà soát việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục mầm non theo bộ tiêu chí.
Trong quá trình xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt (TCTV), cần chú ý: phân loại khả năng tiếng Việt của trẻ để có phương pháp, nội dung TCTV phù hợp với đối tượng trẻ; tăng thời lượng tập nói tiếng Việt, đặc biệt là đối với những trẻ mới ra lớp, khả năng giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế; tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ mọi lúc mọi nơi; lồng ghép tăng cường tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục.
Chú ý cung cấp đầy đủ tài liệu, học liệu cho giáo viên và trẻ nhằm đảm bảo chất lượng tăng cường tiếng Việt.
Bồi dưỡng nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán ở tất cả các tỉnh, thành phố có trẻ em người DTTS trên cả nước và nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ tại một số tỉnh (Dự kiến tháng 6/2017).
Sở GD&ĐT bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ tham gia tập huấn do Bộ tổ chức, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện: cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu để tổ chức triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ (nếu có) ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt đối với những nơi giáo viên dạy lớp ghép nhiều dân tộc và nhiều độ tuổi, giáo viên dạy trẻ vùng 100% đồng bào DTTS sống biệt lập.
Công tác xã hội hóa
Phối hợp với đoàn Thanh niên, hội Phụ nữ xây dựng các câu lạc bộ đọc sách tại thôn bản, hướng dẫn cha mẹ trẻ tạo dựng môi trường tiếng Việt tại nhà và tăng cường giao tiếp với trẻ.
Tổ chức cho các em mẫu giáo 5 tuổi giao lưu với học sinh tiểu học, tham gia ngày hội nói tiếng Việt; phối hợp với hội phụ huynh, già làng trưởng bản sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian (truyện thơ, sử thi, câu đố, các bài hát ru…) của người dân tộc thiểu số để dùng trong các nhà trường; khuyến khích phụ huynh, các tổ chức đóng góp đồ dùng, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt địa phương để sử dụng trong hoạt động TCTV.
Theo GD&ĐT.VN