(Báo Quảng Ngãi)- Đón đầu cung ứng nguồn lao động cho Dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh, Trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ nghệ Dung Quất đang tập trung đầu tư thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn để đào tạo nguồn lao động chất lượng cao.
Ngay từ những ngày đầu năm 2017, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất đã làm việc với Công ty CP thép Hòa Phát về cung ứng nguồn lao động chất lượng cao. Qua đó, công ty đã thống nhất với trường tuyển 4.000 lao động có tay nghề, sau khi dự án khu liên hợp sản xuất gang thép hoàn thành giai đoạn 1. Công ty CP thép Hòa Phát cũng đã thống nhất với trường khi dự án bước vào hoạt động giai đoạn 2 sẽ tuyển tiếp 10.000 lao động.
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất tập trung triển khai xây dựng Khu đào tạo nghề chất lượng cao. |
Bên cạnh đó, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất cũng đã làm việc với Công ty CP Dịch vụ Dầu khí Quảng Ngãi (PTSC) về đào tạo nguồn lao động để bảo trì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, một số công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn KKT Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP cũng đã đặt hàng với trường, nhằm cung ứng nguồn lao động trong thời gian đến.
Ngày 9.3.2017, Bộ LĐ-TB&XH có quyết định đổi tên Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất thành Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất. Việc đổi tên trường phù hợp với xu hướng đào tạo nguồn lao động chất lượng cao hiện nay. Đây là dấu mốc quan trọng, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều được cấp bằng kỹ sư thực hành, không còn phải cấp bằng nghề như trước đây. Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất NGUYỄN HỒNG TÂY |
Sau khi nắm chắc nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất đã lên kế hoạch đào tạo khoảng 5.000 lao động. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tây- Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất cho biết, với việc công ty, doanh nghiệp đòi hỏi lao động phải có tay nghề, kỹ thuật cao, do đó, trường đã tập trung đầu tư thiết bị; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ giảng viên và mở rộng quy mô hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề chất lượng cao, trường đã đưa các giáo viên sang các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, để đào tạo chuyên sâu nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, trường đã tập trung nguồn kinh phí 130 tỷ đồng do Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ, để đầu tư phát triển sự nghiệp; sử dụng 81 tỷ đồng của Chính phủ Pháp hỗ trợ để đầu tư xây dựng khu đào tạo nghề chất lượng cao (diện tích 5ha). Hiện nay, trường đang triển khai đầu tư các hạng mục: Xưởng cơ khí động lực; xưởng công nghệ ôtô; xưởng điện chất lượng cao; hệ thống bảo trì cơ khí; hệ thống cắt gọt kim loại; trung tâm đánh giá kỹ năng nghề hàn, nghề điện...
Mặt khác, Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất đã liên kết với các công ty ở Pháp, Nhật Bản và nhiều doanh nghiệp trong nước để đưa sinh viên năm 2 đi thực hành, cọ xát với thực tế, để học hỏi kinh nghiệm và hành nghề được thành thạo. Với cách đào tạo này, nhiều sinh viên ra trường đã được các công ty trong và ngoài nước nhận làm việc, với mức lương cao. Hiện nay, trường đã thông báo tuyển sinh khoảng 1.200 em, đào tạo các nghề phục vụ cho các dự án đặt hàng; tuyển 1.500 em đào tạo nghề cung ứng cho Khu công nghiệp VSIP và tuyển 1.000 em phục vụ cho các ngành nghề dân dụng, phổ thông khác.
Bài, ảnh: MAI HẠ