(Baoquangngai.vn)- Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có 8/9 môn thi được ra đề với hình thức thi trắc nghiệm và 2 bài thi tổ hợp. Việc phải thi nhiều môn, rút ngắn thời gian làm bài trong bài thi tổ hợp, trong khi số câu hỏi giảm không đáng kể đang gây ra áp lực cho thí sinh.
Thời gian bị rút ngắn
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại đều được thi với hình thức trắc nghiệm. Ưu điểm là rút ngắn thời gian thi, tiết kiệm chi phí, thuận tiện cho công tác chấm bài, biết kết quả thi sớm. Tuy nhiên, kiểu thi trắc nghiệm đồng loạt cũng gây nên áp lực cho cả nhà trường và thí sinh.
Kỳ thi năm 2016 trở về trước, các môn thi trắc nghiệm độc lập, đề thi gồm 50 câu và thời gian làm bài 90 phút. Năm nay, tổ hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh thành một bài thi Khoa học tự nhiên và tổ hợp 3 môn Sử, Địa, GDCD thành một bài thi Khoa học xã hội. Số câu hỏi mỗi môn là 40 câu, thời gian làm bài 50 phút.
Như vậy, một bài thi tổ hợp chỉ giảm 30 câu, trong khi đó thời gian làm bài lại giảm tới 120 phút. Cùng với đó, thời gian tổ chức thi cũng sớm hơn 2 tuần. Áp lực cho thí sinh là khá lớn, có thể tạo tâm lý mệt mỏi cho thí sinh và hiệu quả làm bài không tốt.
Với hình thức thi mới đang gây áp lực không nhỏ cho học sinh. |
|
Năm trước, những em học chuyên sâu chỉ học 4 môn, còn năm nay với hình thức thi mới, các em có cơ hội xét tuyển nhiều khối, nhưng phải học đến 6 môn. Cùng với đó, thời gian giảm như vậy là khá nhiều.
“Sự đổi mới lúc đầu em rất áp lực, lo thời gian quá ngắn làm bài không tốt, lo điểm thi không phù hợp với năng lực của mình, nhưng được các thầy cô hướng dẫn cách sử dụng máy tính và các công thức tính nhanh hơn để làm bài tập hiệu quả hơn nên em giải tỏa được phần nào áp lực”- em Lương Thế Ánh, học sinh lớp 12C1 chia sẻ.
Bên cạnh áp lực thời gian làm bài, thí sinh chọn khối khoa học xã hội để xét tuyển ĐH-CĐ còn đối diện với mối lo là làm thế nào để thích ứng nhanh với dạng đề thi mới, trong khi bấy lâu nay quen với hình thức tự luận.
Em Nguyễn Thị Thu, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: “Điều em băn khoăn là thời gian thi bị rút ngắn trong khi lượng kiến thức thì vô cùng lớn và bắt buộc thi nhiều môn, tụi em chưa quen với hình thức học và thi này, đặc thù của các môn khoa học xã hội có nội dung gắn bó mật thiết với thực tiễn đời sống xã hội”.
Không riêng gì học sinh, ngay cả bản thân giáo viên cũng gặp nhiều thách thức với việc thi trắc nghiệm đồng loạt và rút ngắn thời gian như năm nay, đặc biệt là ở các môn khoa học xã hội còn mới mẻ.
|
Cùng với dạy và học theo hình thức cuốn chiếu, các trường đang đẩy mạnh các hoạt động tư vấn. |
Cuốn chiếu
Trước những khó khăn đó, các trường đã yêu cầu giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, không còn cách nào khác là dạy và học theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu, ôn tập đến đó.
Thầy Lê Văn Triều- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Số 1 Nghĩa Hành cho biết, được các thầy cô giáo sớm chủ động thay đổi cách thức giảng dạy, ôn tập cũng như cho các em liên tục làm quen với dạng đề trắc nghiệm, nhất là ở các môn khoa học xã hội nên bước đầu đã giúp các em dần làm quen với cường độ nhanh.
Giáo viên phải làm sao để giúp học sinh tìm ra kết quả mà ít tốn thời gian nhất, giúp cho học sinh trang bị được kiến thức, kỹ năng một cách vững chắc, làm quen với cường độ nhanh nhất có thể.
"Ở bài thi trắc nghiệm thường sẽ là những bài yêu cầu giải nhanh, yêu cầu kiến thức rộng và bao quát hơn, có những câu hỏi nhìn rất rườm rà, nhưng chỉ cần sử dụng “mẹo” cho ngay kết quả"- thầy Triều cho biết thêm.
Trước cách thức thi mới, thì điều tất yếu là phải dạy và học theo hình thức cuốn chiếu, cho các em làm quen mở rộng với nhiều dạng câu hỏi, học đến đâu chắc đến đó. Khi các em luyện tập làm bài thi trắc nghiệm trong giờ dạy, giờ ôn tập, kiểm tra 15 phút, 1 tiết và liên tục sẽ tìm được một phương pháp giải tối ưu cho bài trắc nghiệm.
Bài, ảnh: A.KIỀU