(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa chính thức công bố Quy chế tuyển sinh năm 2017. Theo đó, Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ điểm sàn như mọi năm; không giới hạn nguyện vọng đăng ký, nhưng phải được xếp theo thứ tự ưu tiên.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Quy chế tuyển sinh năm nay có những đổi mới, nhằm khắc phục hạn chế của những năm trước, giảm áp lực cho thí sinh.
Vẫn giữ điểm sàn
Bộ GD&ĐT quyết định vẫn giữ điểm sàn trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT sẽ căn cứ vào đó để công bố điểm sàn chung cho cả nước. Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, đến năm 2018, mỗi trường sẽ tự chủ trong việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) khi đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định.
Học sinh Trường THPT Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học. |
Bộ GD&ĐT cũng quy định các trường xét tuyển bổ sung đợt sau phải bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Kế toán Bùi Phụ Anh cho rằng, Bộ GD&ĐT quy định điểm xét tuyển đầu vào đợt sau phải cao hơn hoặc bằng đợt trước là một quyết định vừa đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh có điểm xét tuyển cao và có nguyện vọng 1 vào trường mình yêu thích; đồng thời các trường tốp dưới cũng có nguồn tuyển riêng. Để tránh tình trạng các trường tốp trên hạ điểm sàn xét tuyển, thí sinh cần phải cân nhắc thật kỹ về điểm trúng tuyển vào các trường ở những năm trước khi quyết định nộp hồ sơ.
Cân nhắc lựa chọn nguyện vọng
Đúng như dự thảo ban đầu, Bộ GD&ĐT đã quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Nếu thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhiều trường và ngành khác nhau, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Phạm Nghi, lưu ý: “Thí sinh cần phải cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phù hợp nhất. Bởi, khi các em được trúng tuyển ở nguyện vọng nào, thì sẽ không được xét tuyển vào bất kỳ nguyện vọng hay trường nào khác”.
Một điểm mới khác trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đó là năm nay chỉ có một cụm thi dành cho tất cả các thí sinh. Khi làm hồ sơ dự thi THPT quốc gia, các em sẽ được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học. Sau khi có kết quả thi, các em được quyền thay đổi nguyện vọng. Điều này tạo thuận lợi cho thí sinh trong việc cân nhắc giữa điểm thi thực tế để chọn các tổ hợp và ngành cũng như trường phù hợp hơn.
Em Tạ Thị Ngọc Diệp - lớp 12C1, Trường THPT Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ: Việc Bộ GD&ĐT quyết định chỉ có một cụm thi sẽ giúp học sinh giảm áp lực và tiết kiệm chi phí. Điều em lo lắng nhất, đó là thời gian thi các môn theo tổ hợp. Trong thời gian 150 phút, phải làm bài thi của 3 môn là rất áp lực. Tuy nhiên, việc Bộ GD&ĐT quy định đề thi năm nay chỉ gói gọn trong chương trình lớp 12, nên cũng phần nào an tâm hơn.
Trước điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia 2017, cán bộ quản lý và giáo viên ở các trường có một số băn khoăn, lo lắng. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình Trần Thanh An, cho hay: Trước đây, các em thi tối thiểu 4 môn, nhưng theo quy chế mới, thí sinh phải thi tối thiểu 6 môn. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Bình Sơn) Ngô Quang Vinh, thì lo lắng: Việc tổ chức thi trắc nghiệm thể hiện tính công bằng, không sai sót, chênh lệch trong khâu chấm điểm. Tuy nhiên, ở những môn xã hội thì việc thi trắc nghiệm vẫn còn mới mẻ, nên học sinh và nhà trường rất băn khoăn.
Bài, ảnh: DUY HÙNG