(Báo Quảng Ngãi)- Trước thực trạng nhiều trường chuẩn quốc gia không đảm bảo các tiêu chí, có nguy cơ "rớt" chuẩn, tỉnh ta cần có giải pháp phù hợp để đảm bảo chất lượng giáo dục.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 2: Để xứng tầm trường chuẩn quốc gia Ngành giáo dục và đào tạo đã quyết liệt triển khai các giải pháp để "nói không" với bệnh thành tích. Do đó, trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và trong quá trình giữ chuẩn cũng cần phải đặt chất lượng lên hàng đầu. |
Làm rõ nguyên nhân
Để có lời giải cho bài toán về trường chuẩn quốc gia, nguyên nhân các trường không có khả năng duy trì được chuẩn cần phải được làm rõ. Hiện nay, nhiều trường chuẩn quốc gia thiếu cán bộ quản lý, thiếu nhân viên phụ trách các phòng chức năng, thư viện, phụ trách phòng thí nghiệm, thiếu nhân viên y tế học đường. Chất lượng giáo dục ở một số nơi chưa bền vững, tỷ lệ học sinh bỏ học và học sinh yếu kém, lưu ban còn cao. Cơ sở vật chất ở nhiều trường chưa đáp ứng được các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Tiếng là trường chuẩn, nhưng nhiều trường chưa có tường rào, nhà vệ sinh, phòng giáo viên, thiếu bàn ghế học sinh; sân chơi, bãi tập cho học sinh còn mang tính tạm thời...
Đã được công nhận chuẩn quốc gia từ năm 2000, nhưng Trường Tiểu học thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) đến nay vẫn nợ tiêu chí về cơ sở vật chất. |
Trường Tiểu học thị trấn La Hà vốn được xem là trường điểm của huyện Tư Nghĩa, đạt chuẩn từ năm 2000. Tuy nhiên, so với quy định thì, hiện tại Trường Tiểu học thị trấn La Hà không đảm bảo quy định phải có ít nhất 50% học sinh học 2 buổi/ngày. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn La Hà Lê Thị Lê lý giải: Do áp lực học sinh xin nhập học ở trường tăng đáng kể, nên đã tăng lên 25 lớp. Trong khi đó nhà trường chỉ có 16 phòng học, do đó chỉ bố trí cho 7 lớp học 2 buổi/ngày. Bà Lê cho biết thêm, trường vẫn còn thiếu phòng học, các phòng chuyên môn, do xây dựng đã lâu nên nhiều hạng mục bị xuống cấp. Nhà vệ sinh của học sinh không được đảm bảo, toàn trường có gần 900 học sinh, nhưng khu nhà vệ sinh có diện tích chưa đầy 20m2. Trường có tổng diện tích trên 6.400m2, chưa đảm bảo so với quy định.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục ở nhiều trường chuẩn quốc gia cũng khiến cho nhiều cán bộ quản lý giáo dục trăn trở. Với quyết tâm đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, Sở GD&ĐT đã có nhiều giải pháp để đánh giá năng lực thực sự của học sinh ở các trường, qua đó đề ra giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng giáo dục. Có thể nói là không lấy gì làm vui qua kết quả khảo sát, đánh giá năng lực học sinh, nhưng đó là việc cần phải làm. Trong đó, ở nhiều trường chuẩn quốc gia kết quả không như mong đợi. Đơn cử như trong tuyển sinh vào lớp10 những năm gần đây, khi có sự siết chặt của Sở GD&ĐT trong công tác tổ chức thi, điểm thi của học sinh quá thấp.
Nhiều cán bộ quản lý giáo dục bậc THPT, trong đó có cả cán bộ quản lý ở trường chuẩn quốc gia biết là chất lượng đầu vào quá thấp, không đảm bảo nhưng buộc lòng phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu. Trước thực trạng nhiều trường chuẩn quốc gia, nhưng chất lượng qua các kỳ kiểm tra chung của học sinh quá thấp, giám đốc Sở GD&ĐT tiền nhiệm, ông Đoàn Dụng, đã nhiều lần đề cập đến việc "rút" danh hiệu chuẩn quốc gia, vì chất lượng không xứng tầm.
Nhiều trường THPT đã đạt chuẩn quốc gia xét tuyển đầu vào mỗi môn chưa tới 3 điểm, đơn cử như kỳ tuyển sinh năm 2016, điểm chuẩn vào Trường THPT Thu Xà 10 điểm, THPT Sơn Mỹ 10,6 điểm... |
Cần có giải pháp giữ chuẩn
Vấn đề đáng bận tâm ở đây là một khi đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường cần phải có kế hoạch và có sự quan tâm đầu tư để giữ chuẩn. Trách nhiệm này không chỉ riêng ngành giáo dục mà cả chính quyền các cấp, cùng với sự chung tay của toàn xã hội. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Trí cho rằng, thời hạn công nhận trường đạt chuẩn quốc gia là 5 năm, kể từ ngày ký quyết định.
Sau khi đạt chuẩn, các địa phương cần phải bố trí kinh phí đầu tư để đảm bảo giữ chuẩn bền vững. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn những khó khăn nhất định về nguồn lực nên sự đầu tư xây dựng CSVC ở một số trường chuẩn chưa được đảm bảo, nhiều trường đã xây dựng quá lâu nên nhiều hạng mục bị xuống cấp. Ông Trí cho biết, ngành giáo dục tỉnh đã rút kinh nghiệm trong việc đăng ký chỉ tiêu. Việc xây dựng trường chuẩn phải đảm bảo phù hợp với nguồn lực. “Một số trường "rớt" chuẩn là điều đáng tiếc, nhưng qua đó cũng là để đánh giá chất lượng thực sự để có giái pháp phù hợp nâng cao hơn nữa chấp lượng dạy và học", ông Trí nhấn mạnh.
Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh Lý Minh Phụng, trên địa bàn huyện có hàng loạt trường chuẩn có nguy cơ "rớt" chuẩn là do nguồn lực có hạn, chưa đầu tư tương xứng cho CSVC. Hai năm trở lại đây, huyện đầu tư bền vững chứ không dàn trải. Thời gian đến sẽ tăng cường công tác đầu tư CSVC để các trường giữ chuẩn.
Xây dựng trường chuẩn quốc gia là một chủ trương đúng đắn và mang tính lâu dài của ngành giáo dục và đào tạo, nhằm chuẩn hóa CSVC cũng như đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Do đó, chính quyền các cấp và ngành giáo dục cần phải quan tâm để giải quyết thực trạng "rớt" chuẩn hiện nay ở các trường, xứng tầm là trường chuẩn quốc gia.
Bài, ảnh: M.Hạ-T.Phương