Phát triển thể chất cho học sinh miền núi: Cần được quan tâm

06:11, 02/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển thể chất và trí tuệ cho trẻ là nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Thế nhưng, điều đáng lo ngại hiện nay là ở khu vực miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, nên phần lớn học sinh không đảm bảo về mặt thể trạng.  

Bụng đói đến trường

Mới đây, chứng kiến một lớp học ở Trường Tiểu học xã Ba Dinh (Ba Tơ), chúng tôi không khỏi nhói lòng khi các em học sinh lớp 4, nhưng nhỏ bé như thể học sinh  lớp 1. Cô giáo Ngô Thị Nghiệm trải lòng: "Học sinh lớp 4, nhưng cân nặng bình quân chỉ từ 14 – 24 kg. Ở vùng cao này, chỉ mong các em khỏe mạnh đến trường đầy đủ là mừng, chứ chưa có điều kiện giúp các em phát triển thể chất".

Nói rồi, cô giáo Nghiệm chỉ tay về phía một học sinh nữ. Cô Nghiệm cho biết, đó là em Phạm Thị Thương, học trò xuất sắc nhiều mặt của trường, nhưng cân nặng chỉ 16 kg, thuộc diện “còi” nhất, nhì của lớp. Thương thật thà bảo: “Nhà cháu không ăn sáng. Từ mờ sáng bố mẹ đã lên nương. Cháu đi học đến trưa mới về nhà ăn cơm".

 

Thể chất không đảm bảo, việc học sẽ kém chất lượng.                       (ảnh minh họa)
Thể chất không đảm bảo, việc học sẽ kém chất lượng. (ảnh minh họa)


Cô Nghiệm bảo: “Không chỉ có em Thương, ở lớp học này có nhiều em đến lớp bụng rỗng không. Thế thì làm sao phát triển thể trọng. Nhiều hôm dạy đến cuối buổi, nhìn em nào cũng mệt mỏi vì đói”.

Không chỉ có học sinh ở Trường Tiểu học Ba Dinh mà ở nhiều địa phương miền núi trong tỉnh, nhiều học sinh cũng bụng đói đến trường. Nguyên nhân là cuộc sống đồng bào còn quá nghèo khó, chưa quan tâm chăm sóc sức khỏe cho trẻ và tập quán ăn uống còn lạc hậu, thiếu nguồn dinh dưỡng nên trẻ em còi cọc, cơ thể chậm phát triển.

Cần quan tâm giúp trẻ phát triển toàn diện

 Trong những năm qua, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với ngành giáo dục kêu gọi các tổ chức hảo tâm giúp đỡ học sinh nghèo miền núi. Theo đó, Công ty sữa Vinamilk đã thực hiện chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” hỗ trợ cho trẻ mầm non một số nơi của các huyện miền núi và các trường khuyết tật trong tỉnh.  

Trong năm 2016, Chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” tiếp tục hỗ trợ cho gần 1.000 trẻ mầm non ở một số trường thuộc hai huyện miền núi Minh Long, Ba Tơ và các trường khuyết tật. Chương trình hỗ trợ cho các em được uống sữa liên tục trong vòng 3 tháng (bắt đầu từ ngày 17.10.2016). Bình quân mỗi ngày 1 hộp, với dung lượng 180ml.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Giang Nam – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ thì trẻ em ở vùng cao Ba Tơ còn thiếu thốn khá nhiều. Nguồn sữa hỗ trợ chưa đáp ứng 1/2 trẻ em nghèo khó mầm non trong toàn huyện. Trong khi đó, số lượng sữa đưa về nơi được hỗ trợ cùng một lúc, với số lượng được uống trong thời gian dài sẽ gây khó trong việc bảo quản và hết hạn sử dụng.

Cùng với thực trạng học sinh vùng cao bụng đói đến trường, hiện nay ở các huyện miền núi trong tỉnh vẫn còn nhiều điểm trường lẻ thiếu phòng học; thiếu sân chơi để phát triển thể chất cho học sinh. Nhiều học sinh đến trường đúng độ tuổi nhưng thể chất chưa đảm bảo cả chiều cao và cân nặng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh cần quan tâm đến công tác phát triển thể chất của trẻ em ở vùng cao, qua đó giúp các em phát triển toàn diện.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.