Đưa mô hình VNEN lên miền núi: Phải tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong giáo dục

04:10, 20/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2016 - 2017, Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà tổ chức thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Trà Thọ và Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà.

TIN LIÊN QUAN

Năm học 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục có ý kiến chỉ đạo các Sở GD&ĐT triển khai cho các trường đăng ký thực hiện mô hình giáo dục mới trên tinh thần tự nguyện và đảm bảo về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên.

Theo đó, ngoài 72 lớp 6 đã thực hiện mô hình VNEN trong năm học 2015 - 2016, tiếp tục triển khai thí điểm ở lớp 7 và trong năm học này đã có 79 lớp 6 mới học theo mô hình VNEN. Như vậy, hiện nay toàn tỉnh có 151 lớp của 28 trường THCS thực hiện mô hình VNEN với khoảng 4.800 học sinh (HS) tham gia.

 

Học sinh Trường PTDT nội trú Tây Trà thảo luận nhóm theo mô hình VNEN.
Học sinh Trường PTDT nội trú Tây Trà thảo luận nhóm theo mô hình VNEN.


Ông Nguyễn Hữu Duy- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, cho biết: Trước khi thí điểm mô hình VNEN, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên của hai trường. Phòng GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn lại để giáo viên nắm bắt kỹ mô hình này; đồng thời tổ chức cho giáo viên đi tham quan ở các huyện khác để học hỏi kinh nghiệm. Sau 6 tuần thực hiện tại hai trường, bước đầu cũng gặp phải những khó khăn nhất định.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tuyên truyền để cán bộ quản lý, giáo viên, HS, gia đình HS và xã hội nhận thức đầy đủ và đúng mức chủ trương, mục tiêu, nội dung, phương thức và hiệu quả của việc triển khai mô hình VNEN cấp THCS, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Quan tâm, theo dõi, giúp đỡ các trường triển khai dạy học theo mô hình VNEN, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động của HS làm trung tâm...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng, chỉ đạo.

Cô giáo Lương Thị Quý Chi - Chủ nhiệm lớp 6 của Trường PTDT nội trú THCS Tây Trà, cho biết: Việc tổ chức dạy học theo mô hình này tạo được không khí vui tươi và thuận lợi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, tăng cường mối liên hệ giữa HS với HS, HS với giáo viên.

Giáo viên biết cách tổ chức hoạt động học cho HS theo phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. HS bắt nhịp được với hình thức học tập mới; tích cực và tự lực hơn trong học tập; bước đầu biết trao đổi, thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm; có tiến bộ trong giao tiếp, biết hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập. Tuy nhiên, các em có học lực trung bình yếu vẫn còn e ngại trong việc giao tiếp, nên việc học theo mô hình VNEN cũng là một áp lực lớn đối với các em.

Em Hồ Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng tự quản lớp 6, Trường PTDT nội trú THCS Tây Trà, chia sẻ: “Khi được học theo mô hình VNEN, chúng em được học theo nhóm. Cả lớp có 34 bạn được chia làm 6 nhóm. Mỗi nhóm bầu ra nhóm trưởng và nhóm phó. Chúng em tự phân chia nhau việc chuẩn bị bài cũng như các hoạt động trong lớp. Việc học theo nhóm giúp chúng em hỗ trợ lẫn nhau trong học tập để cùng nhau tiến bộ hơn”.

Không chỉ vấn đề con người mà cơ sở vật chất của các trường cũng chưa đáp ứng tốt cho việc dạy học theo mô hình VNEN. Đây không chỉ là khó khăn của miền núi mà còn cả ở các huyện đồng bằng. Thầy giáo Phan Tấn Thanh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trà Thọ, tâm sự: Sau một thời gian thực hiện mô hình VNEN, nhà trường cũng đã phát huy được những hiệu quả ban đầu.

Tuy nhiên, do nhận thức của các em còn hạn chế nên còn bị động trong việc học theo mô hình mới. Hơn nữa, cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, bàn ghế chưa phù hợp để học theo nhóm, khiến các em thường xuyên mỏi cổ, nhất là phải nhìn lên bảng nghe giáo viên giảng bài. Hệ thống máy chiếu dành cho lớp học chưa có, cũng gây khó khăn cho một số giáo viên bộ môn. Nhà trường sẽ tiếp tục hướng dẫn để giáo viên và HS quen dần với mô hình VNEN, nhằm đem lại hiệu quả khả quan.
 

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.