Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Nghề lao động cần, giáo viên thiếu

10:10, 14/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”, tỉnh ta đã đào tạo nghề cho trên 74.000 lao động, trong đó có gần 32.000 lao động được hỗ trợ theo Quyết định 1956/CP. Sau đào tạo nghề, gần 80% người lao động tìm được việc làm, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

TIN LIÊN QUAN

Thực tế vênh với quy định

Năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH ra Thông tư 25 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Theo đó, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp cho các cơ sở GDNN là phải có giáo viên cơ hữu cho từng nghề được tổ chức đào tạo.

Tuy nhiên, theo kết quả rà soát của Sở LĐ-TB&XH, chỉ có các trường cao đẳng, trung cấp nghề mới đáp ứng yêu cầu, còn 25 Trung tâm GDNN công lập và ngoài công lập có tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp thì còn thiếu giáo viên cơ hữu cho từng nghề được tổ chức đào tạo.

Nghề trồng rừng, một trong những nghề lao động có nhu cầu học cao.
Nghề trồng rừng, một trong những nghề lao động có nhu cầu học cao.


Đơn cử như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Trà Bồng hiện chỉ có 5 giáo viên cơ hữu ở các nghề tin học, điện dân dụng, gò hàn, trồng và khai thác rừng trồng, trồng rau an toàn.

Ông Trình Công Đường – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, với 5 giáo viên cơ hữu chúng tôi chỉ đào tạo nghề theo Đề án 1956 được 6 lớp, với 180 học viên, trong khi theo khảo sát nhu cầu của người dân trong huyện muốn học nghề tại địa phương lên đến 500 người. Tình trạng này cũng diễn ra hầu hết ở các Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố trong tỉnh.

 Đầu năm 2016, Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề cấp huyện trên địa bàn tỉnh được sáp nhập theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ thành Trung tâm GDNN-GDTX. Các trung tâm này thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (học văn hóa, hướng nghiệp và học nghề) cho người dân địa phương.

Biên chế đội ngũ giáo viên trước đây do Sở GD&ĐT quản lý chủ yếu dạy các môn văn hóa, nên biên chế giáo viên cơ hữu dạy nghề rất ít. Khi thực hiện thêm chức năng giáo dục nghề nghiệp thì phần lớn các trung tâm vận dụng giáo viên dạy giáo dục thường xuyên như giáo viên dạy vật lý và tin học để làm giáo viên cơ hữu cho nghề điện dân dụng, tin học văn phòng...

Riêng các Trung tâm GDNN của các Hội đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, nông dân) có giáo viên cơ hữu cho từng nghề được tổ chức đào tạo, nhưng cũng rất hạn chế. Như Trung tâm Dạy nghề phụ nữ hiện nay chỉ có 2 giáo viên thuộc các nghề may công nghiệp và kỹ thuật chế biến món ăn, nên chỉ đăng ký đào tạo 2 lớp, với 36 học viên.

Lý giải về thực trạng này, lãnh đạo các trung tâm cho rằng: Thực hiện Nghị định số 16/CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh đang tổ chức sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Do đó, không tăng thêm biên chế CB, CCVC  trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập nên các Trung tâm GDNN công lập không thể tuyển dụng giáo viên cơ hữu để tham gia giảng dạy.

Ngoài ra, các trung tâm không đủ kinh phí để chi trả lương hằng tháng nên chỉ hợp đồng thỉnh giảng khi có nhu cầu mở lớp. Mặt khác, trung tâm đào tạo nghề theo nhu cầu của người học và người sử dụng lao động nên không thể tuyển dụng giáo viên cơ hữu cố định cho mỗi nghề.

Nghề cần, thiếu giáo viên

Một nghịch lý đang diễn ra là, tại các huyện miền núi cùng một số huyện đồng bằng, các nghề trồng rừng, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y... được người dân lựa chọn nhiều nhưng lại không có giáo viên cơ hữu, nên nhiều cơ sở GDNN không thể thực hiện đào tạo, những nghề có giáo viên thì người dân không có nhu cầu.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tây Trà có 2 giáo viên cơ hữu dạy nghề (tin học, điện dân dụng), nhưng người dân thì không có nhu cầu học nghề này. Còn Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trà Bồng trước đây đào tạo nghề xây dựng được thanh niên địa phương theo học đông và có việc làm, thu nhập ổn định.

Năm nay, nhu cầu học nghề này cũng rất cao, nhưng trung tâm chỉ có giáo viên thỉnh giảng nên không được cấp phép đào tạo nghề này. Trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện Tư Nghĩa, Ba Tơ, Minh Long thì “trắng” giáo viên dạy nghề, do vậy không được giao chỉ tiêu đào tạo.

Đến nay, Sở NN&PTNT giao chỉ tiêu đào tạo các ngành nông nghiệp cho 7/25 cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh, với 545 chỉ tiêu ở 7 ngành nghề đào tạo. Sở LĐ-TB&XH đã lựa chọn 9/25 cơ sở GDNN để ký kết hợp đồng đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 1.576 lao động nông thôn, với 13 ngành nghề đào tạo.

Một khó khăn nữa là, đến giữa quý III/2016 các chỉ tiêu đào tạo mới được phân bổ nên làm giảm hiệu quả trong công tác dạy và học nghề. "Cuối năm, người dân bận thu hoạch mùa màng, nên vận động người dân học nghề rất khó”, ông Đinh Duy Sung - Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) cho biết.

Tại các huyện miền núi đang thực hiện mô hình dạy nghề lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân vùng cao, song tình trạng thiếu giáo viên những nghề mà người dân đang cần, cùng với những bất cập trong thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên... dẫn đến khó có thể đảm bảo chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.


Bài, ảnh: VŨ YẾN

 

Khó hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Cao Đình Hòa với PV Báo Quảng Ngãi. Theo ông Hòa, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016 tại Quyết định số 1289/QĐ-UBND ngày 14.7.2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi giao chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.500 lao động nông thôn (LĐNT), trong đó đào tạo nhóm nghề phi nông nghiệp 4.340 người, nhóm nghề nông nghiệp: 2.100 người.   

PV: Thông tư 25 có tác động thế nào trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956, thưa ông?

Ông CAO ĐÌNH HÒA: Trong năm 2016, Sở LĐ-TB&XH đã kiểm tra, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp nghề cho 16/25 cơ sở GDNN theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH, trong đó có đơn vị chỉ được cấp 1 nghề, do chỉ có 1 giáo viên cơ hữu. Vì vậy, đến nay có một số trung tâm chưa đủ điều kiện đăng ký tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT tại địa phương và ảnh hưởng đến chỉ tiêu về đào tạo nghề của toàn tỉnh. Trong 9 tháng  năm 2016, số lao động nông thôn được tuyển sinh học nghề là 2.022 người, chỉ đạt 31% so với chỉ tiêu tỉnh giao (kế hoạch là 6.500 người). Do đó, khả năng dạy nghề cho lao động nông thôn trong năm nay khó đạt kế hoạch.

PV: Vậy Sở LĐ-TB&XH có giải pháp gì cho công tác này?

Ông CAO ĐÌNH HÒA:  Đây cũng là khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì ở Quảng Ngãi. Vừa qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có Công văn số 4475/UBND-KGVX ngày 16.8.2016 xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH gửi Bộ LĐ – TB&XH cho hướng  tháo gỡ những bất cập trên.

Mặt khác, quyền tự chủ của Trung tâm GDNN được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật GDNN... Hiện nay, các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện, do đó hằng năm UBND huyện cần tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, qua đó xác định cần đào tạo những ngành, nghề nào gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để tuyển dụng giáo viên dạy nghề cho Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, nhằm đào tạo nghề theo nhu cầu của người học.

Sở cũng đang tham mưu UBND tỉnh thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để có đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.

V.Y

 

 


.