Nâng bước các em đến trường

08:09, 16/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, vùng khó khăn đến trường được các cấp chính quyền, ngành giáo dục triển khai trong nhiều năm qua, giúp hàng ngàn học sinh đến trường thực hiện ước mơ hoài bão của mình.

Hạn chế học sinh bỏ học

Năm học mới này, em Đinh Lâm Kiệt ở thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai (Minh Long) bước vào lớp 8 Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Minh Long. Cũng như các bạn khác, em đến trường với bộ quần áo, sách vở mới. Chị Đinh Thị Thuê (mẹ Kiệt), chia sẻ: Nhờ có chính sách hỗ trợ tiền học, nên mấy năm nay con đến trường không tốn nhiều chi phí. Mỗi khi bước vào năm học mới, ngoài sắm thêm cho con quần áo mới, mua những đồ dùng cá nhân, còn lại tiền ăn, ở, học phí được Nhà nước hỗ trợ, mỗi tháng khoảng 800 ngàn đồng. Từ nhỏ Kiệt mơ ước được làm thầy giáo để sau này dạy chữ cho con em quê mình. Khi biết Trường THCS Dân tộc nội trú huyện có chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ tiền ăn ở, Kiệt quyết tâm học để được tuyển vào trường.

 

 Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện cho trẻ em ở những vùng khó khăn đến trường.
Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện cho trẻ em ở những vùng khó khăn đến trường.


Chính sách miễn giảm học phí cũng giúp gia đình chị Đinh Thị Xuân Bé ở thôn Diên Sơn, xã Long Sơn (Minh Long) vượt qua khó khăn cho con đến trường. Nhà chị có 3 con nhỏ trong tuổi ăn học. Chị là giáo viên mầm non, chồng làm đủ nghề, nhưng cũng chỉ đủ chi phí qua ngày, trong khi đứa con trai út bị bệnh tim bẩm sinh. “May có chính sách hỗ trợ học phí, nên tiền lo cho con ăn học không nhiều. Nhờ đó mà đứa lớn năm nay bước vào Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đứa kế học lớp 12 Trường THPT Minh Long", chị Bé chia sẻ.

Học sinh vùng bãi ngang ven biển, vùng đặc biệt khó khăn, con nhà nghèo, mồ côi, con em đối tượng chính sách cũng được hỗ trợ, miễn giảm học phí đáng kể. Như hoàn cảnh của em Nguyễn Thị Ngọc Quý ở thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi), nếu không có chính sách hỗ trợ học tập của Nhà nước thì em khó thực hiện được giấc mơ đến trường. Cha mẹ em mất sớm, bỏ lại 4 anh chị em đang tuổi ăn học. Dẫu người anh đầu bươn chải làm đủ việc, để nuôi mình và nuôi các em ăn học, nhưng đồng tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu. Nhờ sự động viên của chính quyền, nhà trường và chính sách hỗ trợ học sinh nghèo đến trường, nên các anh em của Quý quyết tâm học tập. Nay người anh đầu của Quý đã đỗ vào Trường Đại học Sài Gòn, các chị gái Quý đã học lên cấp ba...

Chi hỗ trợ kịp thời

Thực hiện Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tỉnh ta đã cân đối chi hỗ trợ kịp thời cho đối tượng hưởng lợi. Sở Tài chính đã phân bổ 30,650 tỷ đồng cho các huyện triển khai hỗ trợ cho gần 65.300 học sinh trong năm học 2016 – 2017. Sở cũng đã chi 9,9 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn trưa cho hơn 26.400 trẻ có độ tuổi từ 3-5 tuổi (mỗi trẻ được hỗ trợ 120 nghìn đồng). Phân khai hỗ trợ tiền ăn, ở hơn 52,7 tỷ đồng cho hơn 18.100 học sinh bán trú và Trường phổ thông Dân tộc nội trú (mỗi học sinh được hưởng 50% lương cơ bản/tháng); hỗ trợ 11,188 tỷ đồng cho gần 4.400 học sinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Huỳnh Giang Nam – Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Tơ cho biết, điều kiện kinh tế học sinh thuộc diện hỗ trợ vô cùng khó khăn. Vì thế, ngay từ đầu năm học, phòng đã tính toán chi hỗ trợ kinh phí cho các em nhằm giúp các em ổn định việc học, tránh tình trạng học sinh bỏ học. Ở huyện Minh Long và các huyện miền núi trong tỉnh, vùng khó khăn cũng đang lên danh sách hỗ trợ kịp thời cho các em ngay từ đầu năm học này.

Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh người đồng bào các dân tộc thiểu số... đến trường là rất thiết thực, giúp cho hàng ngàn học sinh thực hiện được ước mơ học chữ, góp phần nâng cao trình độ dân trí, giảm nghèo nhanh và bền vững ở các xã miền núi, vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn...


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.