(Baoquangngai.vn)- Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra mỗi khi hè về cho thấy việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ thực sự cần thiết, là kỹ năng sinh tồn. Thành công với mô hình dạy bơi trong hồ, trên sông, TP. Quảng Ngãi tiếp tục tổ chức dạy bơi trên biển.
TIN LIÊN QUAN
Dạy trẻ bơi trên biển
Ngày đầu tháng 7, chúng tôi về bãi biển thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) vào một buổi sáng đầy sương mù, mây đen kịt trên bầu trời. Hơn 6 giờ sáng, mặt trời mùa hè vẫn chưa ló dạng, nước biển đục ngầu ầm ầm sóng vỗ, 60 trẻ em vẫn hăng hái bước vào màn khởi động trước khi bước xuống nước học bơi.
Bể bơi nổi mình giữa mặt biển rộng chừng 200 mét vuông được làm bằng những áo phao vây quanh lưới thả neo cố định xuống biển. Sau màn khởi động, 15 huấn luyện viên, mỗi thầy cô giáo dắt tay một em mặt áo phao tiến về phía biển, nơi có hồ bơi dã chiến nổi bồng bềnh trên mặt biển, bắt đầu buổi học bơi đầu tiên đầy ý nghĩa.
Theo thầy Hận, một huấn luyện viên, giáo viên bô môn Thể dục, Trường THCS Nghĩa An, nếu như dạy bơi trên sông, một huấn luyện viên kèm một nhóm trẻ thì dạy bơi trên biển phức tạp hơn vì triều cường lên xuống thất thường nên một huấn luyện viên phải kèm một trẻ trong suốt buổi học để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Hồ bơi dã chiến được làm ngay trên biển thôn Tân An để dạy bơi cho trẻ. |
Đến với lớp học bơi, các em được dạy các kiểu bơi như bơi sải, bơi sấp, bơi ngửa, bơi ếch, từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, các em còn được trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước, học cách cứu người khi gặp sự cố đuối nước.
Sau hơn một giờ học, các em lên bờ, tắm rửa sạch sẽ, về nhà để nhường chỗ cho các bạn khác. Trong một buổi sáng, tùy theo số lượng học sinh mà các huấn luyện viên chia thành 3- 4 lớp lần lượt dạy cho các em.
“Chúng con sống ở biển, nhưng chưa biết bơi, nhờ thầy hướng dẫn tận tình mà mới học một buổi, con đã bơi được vài mét. Con muốn biết bơi để có thể tự cứu mình và giúp người khác lỡ có đuối nước xảy ra”- em Thu Linh chia sẻ.
Dù không phải là huấn luyện viên, nhưng ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã đứng trên bờ, ánh mắt luôn dõi theo.
Ông Tuấn bảo: “Dạy bơi trên sông không có vấn đề gì phải lo, còn trên biển không cho phép chủ quan. Buổi chiều ở đây người dân tắm biển rất đông, mình không quản lý được các cháu nên tổ chức dạy buổi sáng sớm, học xong các cháu về tắm rửa, ăn sáng rồi đi học hè”.
Lúc đầu, chỉ có 30 học sinh ở 2 cấp học đăng ký, đến hôm học đầu tiên đã có thêm 30 xin gia nhập lớp học bơi. Với số lượng học sinh tham gia lớn, lớp được chia làm 2 lớp học bơi từ 6- 8 giờ sáng vào các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần.
Kỹ năng bơi lội trở thành kỹ năng sống còn. |
Nghĩa An là xã ven biển, tuy nhiên phần lớn trẻ em ở đây chưa biết bơi. Vì thế, địa phương đã tổ chức dạy bơi miễn phí cho con em được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bậc phụ huynh.
Để đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh và phụ huynh, Ban Tổ chức lớp học đã huy động 15 huấn luyện viên là giáo viên bộ môn thể dục và cả đội tình nguyện viên của xã tham gia dạy bơi cho trẻ.
* Tiến tới “xóa mù” bơi
Quảng Ngãi là địa phương có chiều dài tiếp xúc với đường biển lớn, hệ thống sông ngòi dày đặc. Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra mỗi khi hè về cho thấy việc trang bị kỹ năng bơi cho trẻ thực sự cần thiết, là kỹ năng sinh tồn.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thành công với mô hình dạy bơi trong hồ và trên sông, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo Thành Đoàn phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh các mô hình dạy bơi, tiến tới xóa mù bơi cho học sinh. Trong dịp hè năm nay, TP. Quảng Ngãi mở 20 dạy bơi miễn phí cho 800 trẻ em trong toàn thành phố.
Trung tâm Thể thao Trần Phú vừa tổ chức khai trương một hồ bơi láp ráp di động dạy bơi cho trẻ. Tiếp đến là xã Nghĩa An dạy bơi trên biển. Tại nơi xảy ra vụ 9 học sinh đuối nước thương tâm, Trường THCS Nghĩa Hà, được sự hỗ trợ của Đoàn Khối Dân chính Đảng Trung ương, một hồ bơi vừa được khởi công xây dựng.
“Thành phố đã yêu cầu các địa phương tùy vào điều kiện của mình, tiếp tục nhân rộng việc dạy bơi cho trẻ. Thành phố cũng khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này nhằm tiến tới xóa mù bơi cho trẻ”- ông Dũng cho biết.
Bài, ảnh: Chấn Phong