(Baoquangngai.vn)- Câu hỏi mở về chính sách đại đoàn kết dân tộc, thế hệ trẻ làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, khiến thí sinh thích thú.
TIN LIÊN QUAN
Sáng nay, các thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng với môn thi Lịch sử. Đây là môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất, với hơn 1.700 thí sinh dự thi ở cả 2 cụm ĐH và địa phương. Đa phần thí sinh chọn môn Lịch sử là các em đăng ký xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH ở khối C.
Tại các cụm thi ĐH, kết thúc 180 phút làm bài, nhiều thí sinh ra sớm, với nhiều tâm trạng khác nhau. Theo các thí sinh, đề thi năm nay ngắn hơn và hay hơn năm ngoái, đề ra theo hướng mở, không đòi hỏi quá nhiều mốc thời gian lịch sử, câu học thuộc bài chỉ chiếm 3 điểm, 7 điểm còn lại yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng, liên hệ, xâu chuỗi các kiến thức đã học mới giải quyết được vấn đề đặt ra.
Phần lớn thí sinh tỏ ra thích thú với câu 4 của đề thi là câu hỏi mở, trình bày suy nghĩ về chính sách đại đoàn kết dân tộc, thế hệ trẻ cần làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc.
Thí sinh khối C đã hoàn thành xong kỳ thi. |
Em Dương Thị Ánh Nguyệt, học sinh Trường THPT Lý Sơn cho biết, đề thi có 4 câu, có phần nội dung của kiến thức lớp 11, em làm bài không được tốt lắm, nhưng em lại thích câu hỏi về đại đoàn kết dân tộc giúp thí sinh gỡ điểm.
Thí sinh Nguyễn Bá Ngà, thí sinh tự do ở huyện Đức Phổ thi để xét tuyển vào Học viện cảnh sát chia sẻ: “Phần học thuộc bài 3 điểm rơi vào lịch sử thế giới, 5 điểm cho phần lịch sử Việt Nam, 2 điểm dành cho câu hỏi mở. Đề khá hay, em và các bạn làm bài khá tốt”.
* Tại các cụm thi địa phương, rất ít thí sinh dự thi môn này. Tại điểm thi Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chỉ có 2 phòng thi với khoảng 80 thí sinh.
Nếu như kết thúc môn Địa lý, các thí sinh tươi cười vì đề dễ thì sau 180 phút làm môn Lịch sử, đa số thí sinh không vui. Khi được hỏi về lượng kiến thức đã ôn, hầu hết đều trả lời là “chưa ôn kỹ” và “làm hết nhưng chắc chắn không được điểm cao”.
Thí sinh Lê Thị Hồng Thắm đến từ Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sơn Tịnh, có học lực trung bình, cho rằng mình chỉ làm bài được khoảng 4 điểm. Nguyên do là do ôn bài chưa kỹ và không quá tập trung cho môn học này. Chương trình học còn nặng, có quá nhiều kiến thức, sự kiện, số liệu cần phải nhớ, phải thuộc lòng... Nhiều bạn trong phòng kết quả làm bài cũng không mấy khả quan.
Mở tài liệu ra để đối chiếu kiến thức, với nét mặt khá căng thẳng, em Võ Thị Thu Thập, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sơn Tịnh, chia sẻ: “Em làm cao lắm cũng chỉ được 5 điểm. Em rất lo lắng, nên sẽ phải cố gắng nhiều hơn ở môn thi cuối cùng”.
Với học lực khá, thí sinh Hồ Thị Thúy Kiều, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sơn Tịnh lại khá thỏa mái, tự tin cho mình được khoảng 6- 7 điểm. Tuy nhiên, theo em đánh giá đề cũng hơi khó, trong chương trình học chỉ có khoảng 40%, còn liên hệ thực tế thì để 60%. Trong khi các môn thi khác thì ngược lại, kiến thức thực tế chỉ nằm ở mức 40%.
“Em rất thích câu hỏi mở - Thế hệ trẻ ngày nay cần làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc? Câu hỏi này không nằm ngoài dự đoán của em. Em làm rất tốt! Tuy nhiên, với dạng đề thi này đòi hỏi các bạn phải có tư duy, kiến thức thực tế, còn nếu bạn nào có ý học tủ thì khó đạt được điểm cao”, Kiều nói.
Buổi thi sáng nay tại 2 cụm thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi ở cụm ĐH và địa phương đều đạt trên 96%. Chiều nay, các thí sinh thi môn Sinh học trong thời 90 phút. Đây là cũng là môn thi cuối cùng, chính thức khép lại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
Thực hiện: Ái Kiều- Thiên Hậu