"Học kỳ tiếng Việt" của học trò Ca Dong

09:07, 31/07/2016
.

 


(Baoquangngai.vn)- Từ tình thương, trách nhiệm, sự chia sẻ với hoàn cảnh của học trò nghèo vùng cao Sơn Tây, vài năm nay, cứ vào những ngày đầu tháng 7 các giáo viên lại quay trở lại trường lớp để dạy tiếng Việt cho các em học sinh nghèo nơi đây.
 
Hạn chế về kỹ năng tiếng Việt là một thực tế của học sinh người dân tộc thiểu số huyện Sơn Tây trong giao tiếp, ứng xử và đặc biệt là việc tiếp thu kiến thức văn hóa. Do vậy, những lớp dạy tiếng Việt trong dịp hè luôn được ngành giáo dục Sơn Tây quan tâm trên tinh thần tự nguyện đứng lớp của các thầy cô giáo; siêng năng của trẻ đến trường trong cả những ngày hè.
 
Điểm trường Cà Rằng thuộc Trường tiểu học Sơn Long (Sơn Tây) nằm chênh vênh nơi lưng chừng dốc, tựa sát cung đường dẫn về khu tái định canh Anh Nhoi 2 của người dân dự án thủy điện Đắkdrinh những ngày hè luôn rộn rã như thể năm học mới đã bắt đầu. Tiếng giảng bài, tiếng đánh vần râm ran cả một góc rừng. Cô giáo Ngô Thị Ánh Tuyết đã "ra lớp" cùng học trò nhỏ của mình từ đầu tháng 7.2016.
 
Cô giáo Ngô Thị Ánh Tuyết luyện kỹ năng phát âm tiếng Việt cho học sinh điểm trưởng Cà Rằng, Trường TH Sơn Long
Cô giáo Ngô Thị Ánh Tuyết luyện kỹ năng phát âm tiếng Việt cho học sinh điểm trưởng Cà Rằng, Trường TH Sơn Long
 
Chúng tôi ghé thăm điểm trường Cà Rằng vào giờ học tiếng Việt của các em nơi nay. Cô giáo Tuyết chỉ vào những đồ dùng học tập như bút, vở, sách, thước kẻ... và ngay cả tấm bảng đen, bình hoa nhựa trên bàn giáo viên để dạy các em phát âm, đánh vần, nhận biết những vật dụng này bằng tiếng Việt. Cô Tuyết đọc to rõ, rồi cả lớp đọc theo: "Đây là cái bảng", "Đây là bình hoa", "Đây là quyển vở"...
 
Ngày ngày, cô say sưa giúp các học sinh nhận diện chữ cái, hướng dẫn các em cách cầm bút, tô nét,  tập đọc, giúp trẻ  hiểu và nói được những câu cơ bản. Với cô, những ngày hè là chính là "học kỳ tiếng Việt" cho các em học sinh Ca Dong nơi đây.
 
Cô Ngô Thị Ánh Tuyết tâm sự: "Để vào năm học mới các em có thể tiếp thu được kiến thức của thầy cô truyền đạt thì giáo viên phải ở lại trên này hai tháng hè bồi dưỡng, tập nói, nghe và hiểu tiếng Việt cho các em học sinh người Cadong". 
 
Với học sinh vùng cao, những ngày hè của trẻ em cũng chỉ là những ngày theo cha mẹ lên rẫy. Tiếng nói, con chữ làm quen trong năm học vừa qua sau 3 tháng hè thực ra cũng chẳng còn lại bao. Vì thế, nếu không tiếp tục kèm cặp các em, thì sau hè, trở lại trường lớp các em sẽ khó lòng tiếp thu bài giảng. Đó là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến học lực của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí nhiều em đi học do không hiểu tiếng Việt nên không hứng thú với việc học dẫn đến bỏ học giữa chừng.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên Trường tiểu học Sơn Long cho biết: Gắn bó với vùng cao, giáo viên thấu hiểu thiệt thòi của học sinh nơi đây. Nếu để các em ở nhà, không ra lớp thì các em sẽ theo ba, theo mẹ lên rẫy, rồi tắm sông, tắm suối rất nguy hiểm. Vì thế, giáo viên ra lớp trong những ngày hè vừa để ôn lại kiến thức, giúp các em củng cố vốn tiếng Việt, đồng thời vừa giúp cho phụ huynh yên tâm hơn trong quản lý con em.
 
Từ tình thương trách nhiệm, sự chia sẻ với hoàn cảnh của học trò nghèo vùng cao Sơn Tây, vài năm nay, cứ vào những ngày đầu tháng 7 - sau khi nghỉ hè được 1 tháng, là các giao viên lại quay trở lại trường lớp. Những "lớp tiếng Việt" vì thế luôn được "khai giảng" trước ngày khai trường chính thức bước vào năm học mới 2 tháng và thực tế đã đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. 
 
Thầy giáo Nguyễn Minh Anh - Phó phòng giáo dục đào tạo Sơn Tây cho biết: "Việc giảng dạy tiếng Việt dịp hè cho học sinh dân tộc thiểu số Sơn Tây rất bổ ích. Được bồi dưỡng tiếng Việt giúp các em học sinh khi vào năm học mới nắm được bài giảng và hiểu bài nhanh hơn. Từ đó hứng thú học tập, hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng".
 
Bài, ảnh: Th. Nhị
 

.