(Baoquangngai.vn)- Cô giáo Trần Thị Thao đã công tác hơn 20 năm ở Trường tiểu học Ba Vì, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ. Chừng ấy năm công tác, cô Thao có thể giao tiếp bằng tiếng Hrê ở mức phổ thông, nhưng những tình huống dở khóc, dở cười vẫn xảy ra.
Cô Thao kể, thời gian đầu công tác, một học sinh muốn xin phép cô giáo ra ngoài đi vệ sinh nhưng không biết từ “đi vệ sinh” trong tiếng Việt, em cứ ậm ờ tiếng mẹ đẻ khiến cô giáo bối rối. Rồi sự bối rối chuyển từ gương mặt cô giáo sang gương mặt em nhỏ, em “tè” ngay trong lớp.
Em Phạm Quốc Toản trình bày phần thi hùng biện trên sân khấu trong lễ khai mạc hội thi. Ảnh: Hiền Linh. |
Mặt em đỏ bừng xấu hổ, cô giáo phải nghiêm giọng để ngăn những tiếng cười rõ to từ những bạn học vô tư trong lớp. Và đó chỉ là một tình huống giao tiếp điển hình của những giáo viên người Kinh lên mạn ngược dạy chữ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Giao tiếp đã khó khăn, thì việc học văn hóa còn khó biết chừng nào. Qua mỗi tình huống trớ trêu, cô giáo lại được “học” thêm một từ vựng mới từ các em. Bản thân cô cũng tự nỗ lực giao tiếp nhiều hơn, bổ sung vốn từ để “kết nối” với học trò.
“Dạy học trò miền núi thì giáo viên phải nỗ lực gấp hai, gấp ba, bởi năng lực tiếp thu của các em không thể bằng học sinh đồng bằng. Nếu giảng nhiều lần mà các em vẫn không hiểu, tôi sẽ phiên âm qua tiếng Hrê”, cô giáo Thao cười khi nói chuyện với người viết.
Cùng đoàn của Phòng Giáo dục huyện Ba Tơ tham dự Hội thi giao lưu Tiếng Việt của chúng em do Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh tổ chức, cô Thao cùng các giáo viên tiểu học huyện Ba Tơ tự hào hướng mắt lên sân khấu buổi lễ khai mạc.
Trên sân khấu, em Phạm Quốc Toản, một học sinh tiểu học huyện Ba Tơ đang thể hiện tài hùng biện. Dáng dấp tự tin, giọng nói dõng dạc, Toản tự hào kể về quê hương Ba Tơ của em, với những bộ cồng, chiêng, với trang phục truyền thống của các bà, các mẹ và truyền thống cách mạng anh hùng.
Nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa được biểu diễn trong Lễ khai mạc Hội thi. Ảnh: Hiền Linh. |
Minh họa cho phần hùng biện quê hương em là những điệu múa của người Hrê trên nền sân khấu mô phỏng khung cảnh núi rừng, cối chày giã gạo và hình tượng những khẩu súng, thể hiện tình quân dân son sắt trong những ngày khởi nghĩa năm xưa.
Nếu Toản không nói về những điều ấy, Ban Tổ chức và khán giả có thể quên mất em là một học sinh dân tộc thiểu số, bởi em đang nói tiếng Việt quá “chuẩn” và dõng dạc. Phần hùng biện đáng tự hào ấy có phần đóng góp không nhỏ của những cô giáo như cô Thao.
Đối với những học sinh miền núi, tiếng Việt không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, để các em có thể nắm bắt được bài học, ngành giáo dục tỉnh nhà đã tổ chức dạy tiếng Việt trước khi các em vào lớp một, các tiết học tăng cường tiếng Việt cho các em…
Và Hội thi giao lưu Tiếng Việt của chúng em được tổ chức trong những năm gần đây vừa là dịp để đánh giá, vừa là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt. Mà theo đánh giá của ông Trần Hữu Tháp-Phó Giám đốc Sở GĐ-ĐT tỉnh Quảng Ngãi là: Trình độ tiếng Việt của các em chưa cao, ảnh hưởng đến năng lực tiếp thu các môn học khác.
Nhưng để kết nối với các em, rất nhiều giáo viên như cô Thao phải học “ngoại ngữ” của người đồng bào. Bên cạnh việc tự trau dồi ngôn ngữ, ngành giáo dục một số địa phương như huyện Tây Trà đã tổ chức những lớp học “ngoại ngữ” như thế cho giáo viên miền núi.
Không khí của Hội thi giao lưu Tiếng Việt của chúng em sôi nổi, tưng bừng với hàng nghìn giáo viên, học sinh và phụ huynh hào hứng tham gia, cổ vũ. Nhưng những giáo viên mạn ngược còn kết nối với các em bằng những nỗ lực âm thầm, như việc tham gia lớp học tiếng các dân tộc thiểu số, hay mỗi ngày tự học một từ vựng.
Rào cản ngôn ngữ sẽ không còn là rào cản nếu có những tấm lòng và nỗ lực kết nối từ hai phía. Những học sinh dân tộc thiểu số giỏi tiếng Việt như Toản sẽ nhiều hơn, nếu tinh thần ấy được cổ vũ và nhân lên. Và đó cũng là để khoảng cách giữa miền xuôi và miền ngược mỗi ngày càng được nối gần.
Tối 3.6, tại huyện miền núi Trà Bồng, Sở GĐ-ĐT Quảng Ngãi tổ chức Hội thi giao lưu Tiếng Việt của chúng em em cho học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 3, năm học 2015-2016.
Hội thi diễn ra trong 3 ngày từ ngày 3 đến ngày 5.6 với 9 đội thi đến từ 9 huyện miền núi trong tỉnh. Mỗi đội có 20 em là các học sinh thuộc khối tiểu học là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đội trải qua các phần thi là thi viết và giao lưu dưới hình thức sân khấu hóa. Các hoạt động này xoay quanh 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh. Trong chương trình hội thi còn có nội dung giao lưu lửa trại, múa tập thể sân trường và giao lưu các trò chơi dân gian.
|
Hiền Linh