(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù chỉ tồn tại trong 3 năm (1965 - 1968), nhưng Trường cấp II Tư Nghĩa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung.
Giữa năm 1965, hầu hết các xã ở vùng giải phóng đều được mở trường tiểu học và phong trào dạy bổ túc văn hóa cho người lớn phát triển mạnh, trong đó có nhiều địa phương có học sinh học hết cấp I. Vì vậy, việc mở trường cấp II là hết sức cần thiết, để các em được liên tục học tập và cũng là nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho chính quyền cách mạng lúc bấy giờ. Lúc này, toàn tỉnh có 3 huyện được chọn xây dựng điểm trường phổ thông cấp II gồm: Trường cấp II Bình Sơn, Trường cấp II Tây Sơn Tịnh và Trường cấp II Tư Nghĩa.
Ông Trần Ngọc Ngân nhớ lại những tháng ngày giảng dạy tại ngôi trường. |
Ông Trần Ngọc Ngân - nguyên giáo viên của trường cho biết: Nhiều học sinh của trường đã thành danh trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Xuân Huế - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tướng Phạm Nam Tào, Trung tướng Đào Duy Minh, ông Nguyễn Tiến Phước - Nguyên Bí thư Huyện ủy Tư Nghĩa... |
Riêng Trường cấp II Tư Nghĩa có hai phân hiệu (tại xã Nghĩa Thắng và xã Nghĩa Lâm). Năm học đầu tiên (1965-1966), trường chỉ có vỏn vẹn 59 học sinh, chủ yếu là con em nhân dân bám trụ ở vùng giải phóng Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Kỳ và một số xã vùng đông Tư Nghĩa. Ngoài ra cũng có một số là con em ở vùng giải phóng Tịnh Giang, Tịnh Đông, Tịnh Minh (Sơn Tịnh) sang học. Mặc dù học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều khi phải học vào ban đêm để tránh sự chú ý của địch, nhưng học sinh vẫn bám lớp, bám trường.
Ông Đoàn Mười là một trong số những học sinh của điểm trường xã Nghĩa Lâm lúc bấy giờ, chia sẻ: “Để tránh bị địch phát hiện, nhiều hôm chúng tôi phải đi học vào ban đêm; hoặc phải dùng vỏ lon sữa bò làm đèn học nhằm hạn chế ánh sáng phát ra. Thầy và trò làm nhiều cách để tránh bị địch phát hiện, nhưng chúng vẫn nhiều lần thả bom khu vực trường học, khiến cho thầy và trò phải nhiều lần di chuyển đi chỗ khác”.
Sau khi trường ngưng hoạt động, năm 1970 ông Mười đã được Đảng và Nhà nước cho ra Bắc để học văn hóa. Đến năm 1976, ông học tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 1980, ông ra trường và về giảng dạy tại Trường THPT Ba Gia (Sơn Tịnh) rồi đến Trường THPT số II Tư Nghĩa... Ông Mười bộc bạch: “Tôi chỉ được học một học kỳ tại Trường cấp II Tư Nghĩa, nhưng chính ngôi trường này đã nhóm lên trong tôi ngọn lửa nhiệt huyết của nghề giáo, nên tôi luôn quyết tâm học tập để cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. Và tôi đã thực hiện được ước mơ đó, trở thành người thầy giáo, góp phần đào tạo hàng nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh. Đây là niềm tự hào lớn lao của những người làm nghề giáo như chúng tôi”.
Sau cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã đi vào giai đoạn ác liệt nhất. Vùng giải phóng luôn bị địch càn quét, đánh phá, dẫn đến trường phải ngưng hoạt động. Lúc này, giáo viên và học sinh đều phải rời ghế nhà trường tham gia vào các cơ quan, đơn vị cách mạng và phần lớn học sinh tham gia lực lượng vũ trang chiến đấu với quân thù. Trong số đó nhiều người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Trần Ngọc Ngân - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên là giáo viên giảng dạy tại Trường cấp II Tư Nghĩa, kể: Tuy thời gian hình thành, tồn tại và phát triển của trường không dài, nhưng mái trường này đã đào tạo một lớp học sinh giàu lòng yêu nước và nhiệt tình cách mạng. Trường đã đào tạo trên 150 học sinh. Nhiều anh chị sau khi rời ghế nhà trường đã lên đường tham gia vào quân đội, chiến đấu góp phần cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Một số anh chị đã anh dũng hy sinh; một số tham gia công tác cách mạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau và đã trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, góp phần cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG