(Baoquangngai.vn)- Tai nạn đuối nước xảy ra liên tiếp những ngày qua đã khiến cho nhiều gia đình phải chịu nỗi đau mất mát quá lớn khi chứng kiến con, cháu họ ra đi một cách tức tưởi. Những búp măng non ấy có lẽ sẽ không lìa đời quá sớm, nếu như các em được dạy kỹ năng bơi lội ở ngay trong trường học.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sau khi vụ tai nạn đuối nước khiến cho 9 học sinh lớp 6B Trường THCS tử vong xảy ra, vấn đề đưa môn bơi lội vào trường học chưa bao giờ được bàn luận xôn xao như lúc này. Bao người nuối tiếc khi hiểu ra rằng, những mái đầu xanh với nhiều ước mơ ấp ủ, đành phải gác lại, chỉ vì các em thiếu kỹ năng bơi lội.
Cách đây 3 năm, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các Sở GD&ĐT trong cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Từ đây, một số địa phương đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất rất lớn cho công tác này.
Bể bơi tại Trường THCS Phổ Vinh là bể bơi trường học đầu tiên và duy nhất tại Quảng Ngãi |
Có địa phương còn tìm cách phối hợp tốt với gia đình học sinh để các em có cơ hội thực hành bơi ở các bể bơi công cộng, bể bơi do tư nhân xây dựng, hay tổ chức dạy bơi theo mô hình dựng lồng bơi ở ngay các ao, hồ, sông… Nhờ thế, mà nhiều trẻ em được trang bị kỹ năng tiếp xúc với nước và hạn chế được tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong.
Nhưng đó là chuyện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Còn ở Quảng Ngãi, việc đưa môn bơi vào trường học vẫn còn nằm gọn trong hai chữ “dự định”. Toàn tỉnh có gần 430 trường tiểu học, THCS và THPT. Đến thời điểm này, chỉ duy nhất một trường có bể bơi và đã tiến hành dạy môn bơi cho các em học sinh.
Thầy Nguyễn Đường- Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Vinh (Đức Phổ) tự hào giới thiệu về bể bơi của trường có diện tích 400m2- là bể bơi trường học đầu tiên và duy nhất ở Quảng Ngãi: “Qua 2 năm đưa bể bơi vào hoạt động, nhà trường được nhận được sự ủng hộ rất cao của các phụ huynh. Vào giờ học bơi thì các em học sinh cũng đều tỏ ra vô cùng thích thú và chăm chú nghe theo hướng dẫn của giáo viên. Nên chỉ qua một học kỳ thì hầu hết các em đều biết bơi”.
Bể bơi tại Trường THCS Phổ Vinh do Phòng GD&ĐT huyện Đức Phổ đầu tư xây dựng với kinh phí 4,7 tỷ đồng. Từ ngày bể bơi được xây dựng hoàn thành, nhà trường đã phân công cho 3 giáo viên thể dục dạy bơi hướng dẫn 12 tiết/học kỳ cho mỗi lớp học. Học kỳ 1, các em học sinh khối 6-7 được học bơi, đến kỳ 2 thì đến lượt các em khối 8-9. Hiện nhà trường chỉ tổ chức dạy bơi cho các em với tần suất 1 tiết/tuần. Thời gian học bơi như thế là khá ít, nhưng đó lại là niềm mong mỏi của rất nhiều trường học khác cũng như phụ huynh tại Quảng Ngãi.
Trẻ em với bản tính tò mò và hiếu động. Khi thấy sông, biển là không tư lự mà nhảy ào xuống hòa cùng dòng nước mát, nhất là trong những ngày hè oi ả. Khác với trẻ ở thành thị mù tịt về chuyện sông nước, thì trẻ ở vùng nông thôn có cơ hội làm bạn với sông, hồ nên ít nhiều biết bơi. Thế nhưng, vô vàn nguy hiểm rình rập ở những dòng nước thiên nhiên không biết lúc nào sẽ tấn công các em. Ở TP. Quảng Ngãi cũng có các lớp về bơi lội với vài bể bơi mini, nhưng không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện về kinh tế và thời gian để cho con đến học bơi tại đây.
Trẻ em với bản tính tò và thích khám phá sẽ không tư lự mà hòa vào dòng nước thiên nhiên, không hề nghĩ đến những nguy hiểm rình rập |
Do đó, nhiều người cho rằng, đưa môn bơi lội vào trường học là hợp lý và cần thiết nhất. Bởi “các cháu được học bơi bài bản, có thầy cô hướng dẫn kiểm soát, lại có thể đáp ứng được sự thích thú khi tiếp xúc với nước trong những ngày oi bức. Rồi sau những giờ học bơi như vậy thì phụ huynh hoàn toàn yên tâm khi cháu có kỹ năng bơi lội cơ bản để ứng phó với những trường hợp nguy hiểm khi ở dưới nước”- Anh Bùi Anh Tuấn ngụ ở phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi bày tỏ quan điểm.
Nói về vấn đề này, ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay: Ở những nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt như các thành phố lớn, thì việc đưa Đề án dạy bơi học đường đi vào thực tế khá dễ dàng. Còn ở Quảng Ngãi, để Đề án này thành hiện thực phải cần nguồn kinh phí khá lớn để chọn mặt bằng, xây dựng bể bơi cùng nhiều chi phí kèm theo. Chúng tôi sẽ tích cực triển khai thực hiện đưa môn bơi vào trường học bằng cách huy động nguồn vốn từ xã hội hóa để có em học sinh trong tỉnh có được kỹ năng bơi lội cần thiết để tránh tình trạng đuối nước tái diễn qua mỗi năm.
Nhắc lại chuyện đau lòng về 9 học sinh của trường bị đuối nước, thầy Bùi Phước- Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà thở dài: “Trường cũng đề nghị với cấp trên rồi, nếu không có kinh phí nhiều thì cố gắng cho các xã khu đông của TP.Quảng Ngãi là Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng và Nghĩa Hà một chiếc bể bơi để các trường ở đây có điều kiện dạy bơi cho các em. Tôi rất mong, các em được sớm tiếp xúc với môn bơi lội để tai nạn học sinh của trường bị đuối nước chỉ xảy ra một lần duy nhất này thôi”.
Là một trong những phóng viên theo sát sự việc 9 học sinh ở xã Nghĩa Hà bị đuối nước, tôi cứ mãi bị ám ảnh bởi câu nói của chị Ngô Thị Hai- mẹ của nạn nhân Nguyễn Minh Hoàng. Chị ngồi lặng bên thi thể đứa con, mà rằng: “Từ nhỏ đến lớn nó có dám tắm sông, hồ gì đâu. Nó tuyệt đối không dám đâu vì nó không biết bơi mà. Nhưng sao chỉ một lần cùng bạn bè ra sông chơi thì lại thành ra lạnh lẽo thế này...”.
Giá như các em biết bơi, và ý thức rõ hơn về mối nguy hiểm đang rình rập ở những con sông, lòng suối tưởng chừng rất hiền hòa, thì có lẽ mọi chuyện đã khác…
Thanh Phương
Video: Tổng hợp vụ tai nạn đuối nước khiến 9 học sinh tử vong