Khởi sắc thị trường xuất khẩu lao động đầu năm

05:03, 07/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở tỉnh ta có nhiều thuận lợi, rất nhiều lao động được tham gia làm việc ở các thị trường năng động như: Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... Đặc biệt, đầu năm nay đã có hàng trăm lao động tham gia XKLĐ ở các thị trường mới, trong đó có thị trường Nhật Bản.

TIN LIÊN QUAN

Sôi động thị trường Nhật Bản

Nếu như những năm trước, số lượng lao động làm việc ở thị trường Nhật Bản đếm trên đầu ngón tay, thì năm nay, đã có gần 800 chỉ tiêu đăng ký làm việc tại thị trường vốn được cho là “khó tính” này. Trong 3 phiên giao dịch đầu năm 2016, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã ký kết 7 đơn vị với hơn 1.100 chỉ tiêu tham gia XKLĐ tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia... Việc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn cho các đối tượng lao động đã được triển khai và thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thủy – Trưởng Phòng Dịch vụ việc làm cho biết: Trong ba sàn giao dịch đầu năm, có hơn 200 người tìm kiếm thông tin lao động. Thông qua tư vấn trực tiếp, trực tuyến chúng tôi tiếp nhận, tư vấn và hướng dẫn để người tham gia XKLĐ làm các thủ tục, hồ sơ chính xác. Khác với mọi năm, năm nay thị trường Nhật Bản được quan tâm nhiều nhất. Đây là thị trường mới và mang lại nhiều cơ hội việc làm cũng như nguồn thu nhập cao, nên được nhiều người tham khảo.
 

 

Lớp học tiếng Nhật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Lớp học tiếng Nhật tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Mặt khác, do sự bất ổn về chính trị cũng như kinh tế nên thị trường Trung Đông không còn thu hút các lao động. Bên cạnh đó, mức thu nhập cũng như sự ổn định không đảm bảo, nên hầu hết các lao động mới đều chọn các thị trường “cao cấp” để làm việc. Ông Võ Duy Yên – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Năm 2016, UBND tỉnh giao 1.500 chỉ tiêu lao động xuất khẩu làm việc ở nước ngoài, nên ngay từ đầu năm công tác tuyên truyền, vận động về các địa phương cũng đã thực hiện rất tốt và mang lại hiệu quả. Nhìn chung, những năm trở lại đây, công tác XKLĐ ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, năm 2015 toàn tỉnh có hơn 1.500 lao động xuất khẩu sang các nước và vượt 104% kế hoạch của tỉnh. Hy vọng năm nay, công tác XKLĐ sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trước.

Nâng cao chất lượng lao động

Ngoài trình độ chuyên môn, vấn đề đào tạo ngoại ngữ cho các đối tượng XKLĐ luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi một khi đã ra nước ngoài làm việc, thì ngoại ngữ phải thành thạo mới am hiểu công việc. Ngay từ đầu năm, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có hơn 100 đối tượng đến nộp hồ sơ và tham gia các lớp đào tạo ngoại ngữ.
 
Bạn Bùi Thị Kết (21 tuổi) ở Bình Châu (Bình Sơn), một trong những học viên tại trung tâm chia sẻ: “Ngoài chuyên môn, tay nghề ra thì việc học ngoại ngữ cũng là yếu tố rất quan trọng. Chính vì thế mà ngay từ khi trung tâm mở lớp dạy ngoại ngữ, tôi đã đăng ký. Tuy tiếng Nhật hơi khó, nhưng cố gắng tham gia học đầy đủ thì sẽ học được”. Giống như Kết, hằng ngày Đào Ngọc Quý phải vượt hơn 30km từ thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) để tham gia lớp học này. Với Quý, học ngoại ngữ không chỉ để sử dụng khi làm việc tại Nhật, mà: “Sau này nếu hết thời hạn XKLĐ mình cũng có thêm một ngoại ngữ nữa để sử dụng khi xin việc ở các công ty nước ngoài. Đó là một lợi thế “kép” của bản thân. Tuy nhiên, để học tốt ngoại ngữ thì việc rèn luyện, chăm chỉ học tập vẫn là điều quan trọng hơn cả”.

Như thường lệ, năm nay xã Bình Châu (Bình Sơn) có nhiều lao động đăng ký XKLĐ nhiều nhất so với các địa phương khác. Những năm trước, sau khi các lao động trở về nước, ngoài vốn làm ăn họ còn tích lũy được một số kiến thức về ngoại ngữ để sau này có cơ hội làm việc ở các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Ông Phùng Bá Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu (Bình Sơn) nhận định: “Việc nâng cao chất lượng lao động đã và đang có những chuyển biến rất tích cực. Ngoài vấn đề chuyên môn, tay nghề thì đào tạo ngoại ngữ cũng được chú trọng. Mặt khác, những đối tượng muốn được XKLĐ đòi hỏi phải có trình độ từ bậc trung cấp chuyên nghiệp trở lên đồng thời phải biết ít nhất một loại ngoại ngữ. Theo đó, vấn đề XKLĐ không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn tăng thêm trình độ dân trí cho lao động ở địa phương”.
 
 
Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU

 

.