(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo nghề theo nhu cầu của người học, gắn với giải quyết việc làm hoặc tăng thu nhập từ nghề đã học, là dấu ấn của công tác đào tạo nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trong những năm qua ở tỉnh ta.
Đào tạo theo nhu cầu
Năm 2010, Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đã đem lại luồng gió mới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ vậy, người LĐNT có cơ hội được học nghề theo đúng nhu cầu. Mặc dù những năm đầu còn lúng túng trong việc lựa chọn danh mục nghề phù hợp để đào tạo cho LĐNT, nhưng đến nay công tác này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tay nghề, giúp NLĐ có được việc làm sau đào tạo. Đó là nhờ nắm bắt được nhu cầu của LĐNT để có thể đào tạo theo nhu cầu. Như ở xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) vốn là một xã thuần nông, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn.
Lao động nông thôn tìm được việc làm ổn định tại các tổ hợp may công nghiệp tại địa phương. |
Ông Nguyễn Duy Nhân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định: “Giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao trình độ tay nghề của người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập, luôn là ưu tiên hàng đầu của công tác đào tạo nghề cho LĐNT. Vì thế, liên kết với doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp cũng là một hướng đi được xác định, nhằm tạo ra đội ngũ thợ chất lượng, giải quyết được việc làm”. |
Trước thực trạng nghề làm gạch thủ công bị thu hẹp do ô nhiễm môi trường, Trung tâm dạy nghề Phụ nữ tỉnh đã khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của hội viên, phụ nữ tại xã và tổ chức lớp dạy nghề “Trồng hoa, cây cảnh, chiết ghép” cho 29 lao động nữ nông thôn. Đây là nghề truyền thống của người dân xã Nghĩa Mỹ, mỗi năm giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nên việc mở lớp dạy nghề này đã đáp ứng được nguyện vọng của người học, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Không chỉ được học nghề, sau khi hoàn thành khóa học, các học viên tham gia lớp học còn được tạo điều kiện về việc làm thông qua mô hình HTX trồng hoa, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Hay như việc tổ chức liên kết đào tạo nghề may công nghiệp với các tổ hợp may công nghiệp tại các xã Đức Nhuận, Đức Thắng, Đức Lợi (Mộ Đức) cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, thu nhập hằng tháng từ 3 triệu đồng trở lên. Chị Trần Thị Minh Tâm, ở xã Đức Lợi cho biết: “Tôi làm nghề nông nhưng cũng biết chút ít nghề may, mùa nông nhàn tôi thường mở tiệm may thêm quần áo cho bà con trong thôn. Được biết có lớp may công nghiệp, tôi đã đăng ký học và được nhận vào làm tại Tổ hợp may gần nhà. Công việc rất thuận tiện cho tôi khi vừa có thể chăm sóc gia đình, con cái mà vẫn kiếm thêm thu nhập ổn định hằng tháng”.
Còn ở huyện Nghĩa Hành, gần 200 người học nghề nấu ăn đã có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập bằng việc lập các nhóm nấu ăn dịch vụ, đi làm ở nhà hàng. Đặc biệt là mô hình đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá được LĐNT ở vùng ven biển, hải đảo đón nhận với trên 3.500 ngư dân của 28 xã ven biển được học nghề và tự tin khi hành nghề trên biển…Trong 5 năm qua đã có trên 32.000 LĐNT trong tỉnh được đi học nghề về nông nghiệp và phi nông nghiệp theo nhu cầu. Trong số đó, có khoảng 28.000 người có việc làm sau học nghề theo nhiều hình thức được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tự tạo việc làm mới hoặc vẫn làm theo việc cũ nhưng năng suất cao hơn, lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều LĐNT khác.
Ưu tiên giải quyết việc làm
Ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện nay, các trường nghề trong tỉnh luôn tự nỗ lực để kết nối cùng doanh nghiệp, đào tạo nghề theo địa chỉ, cho ra lò đội ngũ thợ mà xã hội cần, chứ không phải theo nghề nhà trường có sẵn. Dù việc tuyển sinh vẫn còn nhiều khó khăn do tâm lý, ý thức học nghề của phần lớn người tham gia học nghề chưa cao, nhưng các trường nghề khi đào tạo luôn ưu tiên hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho người học bằng cách kết nối cùng doanh nghiệp. Các trường nghề trong tỉnh đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt gần 42% tính đến cuối năm 2015. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đều duy trì ở mức 70 - 85%, riêng các khóa được đào tạo theo địa chỉ, trên 90% người học có việc làm tại doanh nghiệp.
Trong bối cảnh chung, tỉnh ta đã và đang nỗ lực giúp người lao động bằng nhiều cách làm. Kết nối để đưa người lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với thu nhập cao hơn; tăng cường các hoạt động trợ giúp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua các phiên giao dịch việc làm hằng tháng tại các huyện và thường xuyên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; cho vay vốn từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm quốc gia để người lao động tự giải quyết việc làm...
Bài, ảnh: VŨ YẾN