Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ thu hút lao động trẻ

12:11, 30/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ phát triển mạnh và thu hút đông đảo lao động trẻ. Không cần bằng cấp, chỉ cần ý chí, đam mê là đủ để người trẻ có thể kiếm thu nhập cao từ nghề này.

Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống, đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo nên rất kén người học. Tuy nhiên, những năm gần đây nghề này thu hút được số lượng lớn lao động trẻ. Tại các cơ sở điêu khắc gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, lao động trẻ hiện đang chiếm số đông. Cơ sở của anh Nguyễn Thanh Hải, 28 tuổi, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) hiện có 5 lao động đều là những người trẻ tuổi từ 18 đến 25. Cách cơ sở của anh Hải chừng 300m là cơ sở của Nguyễn Thanh Ngọc (35 tuổi) có 2 nhân công cũng là lao động trẻ.

Em Nguyễn Minh Tịnh đang say mê
Em Nguyễn Minh Tịnh đang say mê "thổi hồn" vào tác phẩm của mình.


 Anh Hải cho biết, gỗ mỹ nghệ ngày càng được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là những kiểu mẫu có độ tinh xảo, có nhiều chi tiết cầu kỳ. Yêu cầu về độ tinh tế của của sản phẩm ngày càng cao, đòi hỏi người điêu khắc gỗ phải rất tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo mới cho ra đời những sản phẩm đẹp. Vì thế, tay nghề càng cao thì thu nhập càng lớn. Bình quân một lao động có tay nghề cao được trả khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng. Tháng nào làm được nhiều sản phẩm có giá trị cao thì thu nhập tăng lên từ 10 - 15 triệu đồng. Thậm chí, những người đến học nghề cũng được chủ cơ sở trả lương và bao ăn ở. "Bình quân một tháng cơ sở của tôi làm được 4 - 5 sản phẩm. Nhiều sản phẩm có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Tính bình quân, mỗi năm tôi thu về hơn 300 triệu đồng. Đặc biệt, nguồn thu tập trung từ tháng 10 âm lịch đến gần Tết Nguyên đán. Thời gian này có lao động được nhận từ 15- 20 triệu đồng/tháng", anh Hải cho biết thêm.
 

Vừa có thu nhập cao, vừa thỏa sức sáng tạo


Võ Hồng Sang (22 tuổi) đã có 6 năm trong nghề, làm việc ở cơ sở anh Nguyễn Thanh Hải, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) tự tin cho biết: "Đến với nghề này giúp tôi có cuộc sống tốt, không ăn chơi lêu lổng với bạn bè mà còn tích lũy được tiền để lo trang trải cuộc sống. Nghề này còn cho tôi thỏa sức sáng tạo".

Gắn bó với nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ được 10 năm, chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Thanh Ngọc đã đào tạo được hơn 10 lao động trẻ. Đa số các lao động này tự mở cơ sở riêng trên địa bàn tỉnh. Theo anh Ngọc, nghề gỗ mỹ nghệ thu hút được lao động trẻ vì nghề này không yêu cầu bằng cấp, chỉ cần có ý chí, đam mê sẽ có cuộc sống ổn định với nghề. "Đa số những người theo nghề gỗ mỹ nghệ thường là những em nghỉ học giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau hoặc là những người hoàn lương muốn làm lại cuộc đời. Cơ sở của tôi luôn mở cửa đón nhận những người yêu nghề chạm khắc gỗ đến học nghề, dù họ là ai", anh Ngọc chia sẻ.

Em Nguyễn Minh Tịnh, 17 tuổi, ở xã Sơn Linh (Sơn Hà) làm việc tại cơ sở anh Ngọc được hơn 5 tháng cho biết, vì điều kiện gia đình khó khăn nên em nghỉ học từ rất sớm. Tịnh đến với nghề gỗ mỹ nghệ được hai năm, trải qua nhiều lần đục chảy máu, sưng tay, giờ đây Tịnh có thể cầm búa, cầm đục nhuần nhuyễn và từng bước thành thạo hơn trong nghề. Vừa cần mẫn tạo hình, Tịnh vừa tâm sự: "Trước khi đến với nghề gỗ mỹ nghệ em đã từng đi xin việc ở nhiều nơi nhưng họ không nhận vì em không có bằng cấp. Sau đó vô tình em được một người bạn giới thiệu nghề gỗ mỹ nghệ này, vậy là em theo học. Bây giờ em có thể sống được với nghề".    
    
 

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

 


.