Nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ: Đâu là giải pháp (kỳ cuối)

05:11, 18/11/2015
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ cuối: Phải đồng bộ các khâu


Như đề cập ở 2 kỳ trước, việc học ngoại ngữ của học sinh (HS) và kết quả khảo sát chất lượng trình độ của giáo viên (GV) theo khung tham chiếu Châu Âu đã để lại nhiều điều lo ngại. Vì thế, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống trường học đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các khâu.


Ông Nguyễn Minh Trí - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nhận định: Phần lớn đội ngũ GV tiếng Anh trong hệ thống giáo dục phổ thông ở tỉnh ta đều được đào tạo bài bản, biết nỗ lực khắc phục những hạn chế để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Tuy nhiên, do còn bất cập trong cơ chế quản lý nhà nước đối với giáo dục, sự thiếu nhất quán trong chương trình đào tạo GV, chương trình giảng dạy tiếng Anh cho HS… nên GV chủ yếu dạy từ vựng, ngữ pháp, dẫn đến cả thầy cô giáo và HS đều “yếu” về kỹ năng nghe, nói.

Càng dạy càng “yếu” kỹ năng

Trường ĐH Phạm Văn Đồng từng bước chuẩn hóa khâu đào tạo giáo viên tiếng Anh.        Ảnh: PH.LÝ
Trường ĐH Phạm Văn Đồng từng bước chuẩn hóa khâu đào tạo giáo viên tiếng Anh. Ảnh: PH.LÝ


Một GV tiếng Anh tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng loại khá đang dạy tại một trường THPT ở huyện Tư Nghĩa, bộc bạch: Sau khi ra trường, mấy năm đầu tôi còn thực hiện tốt 4 kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết, nhưng nay thì chỉ còn 2 kỹ năng: Đọc và viết, do trong trường ít sử dụng 2 kỹ năng kia. Còn một HS thì chia sẻ: “Cũng một từ, khi học cấp THCS GV tập phát âm kiểu này, nhưng khi lên THPT GV buộc đọc thế kia, đến học ở Trung tâm ngoại ngữ có GV bản ngữ dạy thì cho rằng cả hai phát âm đều chưa chuẩn. Vì vậy mà chúng em chưa biết lấy đâu làm cơ sở”.
 

“Thực tế hiện nay, HS rất ít có cơ hội để sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên thường xuyên. Trong giảng dạy rất cần sử dụng đầy đủ 4 kỹ năng của ngôn ngữ, lúc đó mới thu được kết quả tốt nhất”.
Ông Alex Nelson - Giám đốc học vụ Trung tâm Ngoại ngữ AMA, người trực tiếp kiểm tra năng lực ngoại ngữ của HS Trường THPT chuyên Lê Khiết, nhận xét.

Lý giải điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Minh Trí, nói: Lâu nay mình “dạy tiếng Anh của người Việt”, ít được rèn luyện kỹ năng nghe, nói, kể cả sinh viên bậc đại học, sinh viên ngoại ngữ. Do đó, khi tiếp cận với người nước ngoài vô cùng khó khăn.

Cô giáo Trần Thị Bích Lựu (Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Lê Trung Đình), 1 trong 3 GV đầu tiên của tỉnh đạt năng lực ngôn ngữ trình độ C1, cho rằng: Lười nghe, nói riết sẽ dẫn đến "lụt" kỹ năng, tạo sức ỳ trong giảng dạy. GV mà lười nghe, nói thì HS giỏi ngoại ngữ thế nào được”. Nhiều GV lý giải, HS quá yếu nên việc vận dụng kỹ năng nghe, nói không nhiều, bởi các em không có vốn từ. Mà như thế sẽ dần mất đi phản xạ chủ động của ngôn ngữ, ngay cả đối với GV.

Ông Nguyễn Minh Trí, chia sẻ thêm: Suốt nhiều năm qua, GV dạy mỗi nội dung trong giáo trình, không dạy kỹ năng nghe, nói (nếu có thì không nhiều) vì không thi nên bản thân GV cũng  “lụt” kỹ năng. Dạy tiếng Anh phải nói bằng tiếng Anh để HS có môi trường rèn luyện kỹ năng, nhưng thực tế ở các trường, dạy tiếng Anh nhưng chủ yếu nói bằng... tiếng Việt.   

Đòi hỏi sự quyết tâm cao độ

Để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ, đòi hỏi phải trải qua thời gian dài và sự quyết tâm cao độ của ngành GD&ĐT trong thực hiện đồng bộ các khâu. Trước hết, đầu vào và đầu ra của GV ngoại ngữ phải đạt chuẩn. Đồng thời cần chuẩn về trường, lớp, chương trình dạy và học ngoại ngữ ở các bậc học. Một GV dạy tiếng Anh ở một trường THCS tại TP. Quảng Ngãi, thẳn thắng nói: Bồi dưỡng và buộc GV thi cho đạt chuẩn khung tham chiếu Châu Âu là cần thiết, song đạt chuẩn nhưng về lại trường áp dụng không được, nếu được thì cũng chỉ một phần, do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy ngoại ngữ chưa đủ chuẩn; số lượng HS 1 lớp gần 50 em, trong khi quy định chỉ có 25-30 em/lớp. Nếu tình trạng này chưa được khắc phục triệt để thì số GV đạt chuẩn rồi cũng sẽ rớt chuẩn, do không được thường xuyên sử dụng.

Giáo viên bản ngữ khảo sát trình độ ngoại ngữ HS Trường THPT chuyên Lê Khiết.                                                          Ảnh: TR.PHƯƠNG
Giáo viên bản ngữ khảo sát trình độ ngoại ngữ HS Trường THPT chuyên Lê Khiết. Ảnh: TR.PHƯƠNG


Hiện nay, Sở GD&ĐT bước đầu có những chủ trương thiết thực để thay đổi nhận thức của việc dạy và học môn tiếng Anh. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Khiết năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT chỉ đạo đối với môn tiếng Anh cùng với việc thi đọc, viết, phải thi thêm kỹ năng nghe và nói. Kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh cũng phải thi 4 kỹ năng. Sở cũng đã chỉ đạo các trường trong tỉnh giảng dạy, kiểm tra học kỳ phải đổi mới, đảm bảo 4 kỹ năng.

 

Theo mục tiêu của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, có 100% HS lớp 3 học theo chương trình mới vào năm học 2018-2019. HS tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc 1 (A1); tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2 (A2); tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3 (B1) theo khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung Châu Âu.

Đặc biệt, bắt đầu từ tháng 9.2015, HS ở Trường THPT chuyên Lê Khiết được học tiếng Anh do GV bản ngữ trực tiếp giảng dạy. Bà Vũ Thị Liên Hương-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, phấn khởi cho rằng: “GV bản ngữ đã tạo không khí mới trong dạy và học ngoại ngữ ở trường chuyên. HS tỏ ra rất hứng thú. Đây cũng là cơ hội để GV tiếng Anh của trường nâng cao năng lực ngoại ngữ. Không những thế, trường THPT chuyên Lê Khiết cũng đã dạy Toán bằng tiếng Anh".

Đến nay, gần như 100% GV tiếng Anh các cấp trong tỉnh đã được bồi dưỡng ít nhất 1 lần từ ngân sách nhà nước. Trang thiết bị phục vụ dạy tiếng Anh cũng được tăng cường. Từ năm 2012 đến nay, ngành đã chi 32,7 tỷ đồng đầu tư, mua sắm thiết bị dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học và THCS.  Cũng theo ông Nguyễn Minh Trí, duy trì bồi dưỡng thường xuyên hằng năm cho GV tiếng Anh là cần thiết để nâng cao năng lực ngôn ngữ, nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng cái khó là kinh phí. Trước mắt, mỗi GV phải tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngôn ngữ của chính mình để giảng dạy được tốt hơn.

Quảng Ngãi đã phủ kín việc dạy học tiếng Anh chương trình 7 năm và hiện đang từng bước triển khai chương trình 10 năm. Nhiều trường cũng đã triển khai cho HS lớp 1 làm quen với tiếng Anh. Và với trách nhiệm của nhà giáo cũng như những giải pháp quyết liệt của ngành GD&ĐT đã, đang và sắp triển khai, hy vọng việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân ở tỉnh ta sẽ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu mở cửa hội nhập, giao lưu quốc tế.

P.LÝ


 


.