(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, ngoại ngữ được coi là một trong những chìa khóa “vạn năng” để mở toang cánh cửa giao lưu với thế giới (thông dụng nhất vẫn là tiếng Anh). Nhưng để có một nền tảng ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế, đòi hỏi công tác đào tạo giáo viên ngoại ngữ, công tác tổ chức dạy và học ở các bậc học phải từng bước đạt chuẩn. Vậy, ngành giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi đã và đang làm gì để sớm đạt mục tiêu trên?
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: Thực trạng việc dạy và học tiếng Anh ở Quảng Ngãi
|
Ngay cả ở những trường ở trung tâm TP.Quảng Ngãi, thậm chí là những trường THCS, THPT thuộc tốp đầu về chất lượng giáo dục trong hệ thống trường công lập của tỉnh, kết quả dạy và học môn ngoại ngữ cũng là vấn đề đáng lo ngại...
Hời hợt và “sợ”.
Môn tiếng Anh nay đã trở nên quá quen thuộc, vì Bộ GD&ĐT đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa hàng chục năm nay. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, nhiều thế hệ HS vẫn có “tư tưởng lo sợ” khi học bộ môn này. Sau khi học xong THCS, THPT (7 năm) rồi lên bậc chuyên nghiệp (từ 2-7 năm), nhưng vốn kiến thức ngoại ngữ của nhiều HS, sinh viên không thể phục vụ cho việc giao tiếp, dù đó chỉ là giao tiếp thông thường.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh: P.LÝ |
Cô Trần Thị Bích Lựu (Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Lê Trung Đình), bộc bạch: “Dạy tiếng Anh cho các em rất khổ, dù đã lên bậc THPT nhưng chẳng khác gì dạy cho HS lớp 6. Với các em, hầu như từ nào cũng mới, dù là những từ đơn giản nhất. Nguyên nhân cốt lõi là do các em mất gốc, học theo kiểu hời hợt, đối phó là chính”. Cô giáo Lựu dẫn chứng: “Thì hiện tại đơn” các em được học ở bậc THCS, nhưng giáo viên yêu cầu thuật lại cả lớp không em nào biết; có lớp chỉ một em biết, nhưng viết cũng không hoàn chỉnh. Còn đọc thì mỗi em mỗi kiểu, sửa hôm trước hôm sau lại quên”. Thầy Trần Thanh An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Đình lý giải thêm: Chất lượng đầu vào thấp nên khó khăn trong giảng dạy là điều khó tránh khỏi.
|
Còn tại Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, một trong những trường đứng đầu về chất lượng giáo dục trong hệ thống trường THPT công lập của tỉnh, việc dạy và học môn ngoại ngữ cũng là nỗi trăn trở. Thầy Trương Quang Dũng-Hiệu trưởng nhà trường, lo lắng nói: “Phần lớn HS của trường học yếu môn tiếng Anh. Nhiều em không chịu khó, thi trắc nghiệm thì đánh dấu theo phỏng đoán nên nếu đạt điểm trên trung bình cũng chỉ là may mắn”. Theo thầy Dũng, năng lực đội ngũ GV của trường từng bước được nâng lên, nhiều GV đạt chuẩn C1, nhưng HS chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, một số bị mất gốc từ cấp dưới.
Trong giai đoạn hiện nay, ngoại ngữ được xem là “chìa khóa vạn năng” để hội nhập và phát triển, quyết định tương lai của người học. Thế nhưng, việc học ngoại ngữ của phần lớn HS dường như chỉ để có tên trong bảng điểm. Một HS xuất sắc của tỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, nhiều môn đạt điểm gần như tuyệt đối, nhưng môn ngoại ngữ cũng chỉ đạt 4.25 điểm. “Em và nhiều bạn trong lớp không hứng thú với việc học ngoại ngữ. Không chọn môn ngoại ngữ để thi đại học nên em không đầu tư thời gian để học”, HS này trải lòng. Thầy Võ Văn Thiện, dạy ngoại ngữ tại Trường THPT Đức Phổ 1 cho rằng: “Lâu nay HS có tâm lý thi gì học nấy. Không thi ĐH môn ngoại ngữ nên không đầu tư, còn để đỗ tốt nghiệp thì không khó, chỉ cần không bị điểm liệt”. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều GV cho hay, việc dạy và học môn ngoại ngữ chủ yếu đọc, viết, còn nghe và nói ít được chú trọng. Đây là một nghịch lý, trong khi tiếng Anh là học để giao tiếp.
Những con số không vui
Tiếng Anh là bộ môn có tỷ lệ HS bị điểm yếu, kém cao nhất. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, nhiều người đắng lòng khi nhìn phổ điểm môn tiếng Anh của thí sinh có đăng ký thi tốt nghiệp. Trong số 13.178 TS dự thi, chỉ có 11,3% TS đạt điểm trung bình trở lên, có đến hơn 7.400 TS điểm từ 3 trở xuống. Một cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh nói trong sự xót xa: “Không có gì lạ cả! HS của mình lâu nay vốn học rất yếu môn tiếng Anh, nhưng lại không cố gắng. Giáo viên thì không có nhiều người tâm huyết đầu tư bài giảng”.
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016, bức tranh dạy và học ngoại ngữ ở tỉnh ta cũng không có gì sáng sủa. Trong tổng số hơn 12.500 TS ở 7 huyện, thành phố đồng bằng dự thi, thì có đến 80,55% TS có điểm thi dưới 5. Có nhiều trường trên 90% TS dự thi có điểm dưới 5. Ngay ở TP.Quảng Ngãi được coi là có điều kiện nhất tỉnh, trong số gần 2.900 TS dự thi thì có đến 74,07% em có điểm dưới 5. Trường THCS Nghĩa Dõng có 92 HS dự thi thì có 87 em có điểm dưới 5.
Thầy Trần Văn Sự-Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) thở dài: “Chất lượng đạt thấp nhà trường, ngành giáo dục đều biết, nhưng chưa thể vực dậy. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, GV chưa đạt chuẩn, ý thức học tập của HS rất thấp”. Tại Trường THPT Lê Trung Đình, trong tổng số 501 HS trúng tuyển vào lớp 10 của trường năm học 2015- 2016, chỉ có 4,2% đạt điểm trung bình, 19% yếu, 76,8% kém. Kết quả xếp loại môn ngoại ngữ năm học 2014-2015 toàn trường có 33,75% HS dưới trung bình. Nguyên nhân của thực trạng này, thầy Trần Thanh An - Hiệu phó nhà trường cho rằng: Phần lớn học sinh chưa ý thức trong việc học ngoại ngữ, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là phương pháp giảng dạy của một số GV chưa thật sự khơi dậy hứng khởi trong HS.
Đối với Trường chuyên Lê Khiết, chất lượng dạy và học môn tiếng Anh cũng chưa có nhiều chuyển biến. Cô Vũ Thị Liên Hương-Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, thi HS giỏi cấp Quốc gia môn tiếng Anh là vấn đề nan giải đối với trường trong những năm gần đây. Trong 3 năm học liên tiếp (2011-2014), khi Bộ GD&ĐT quy định thi thêm kỹ năng nghe và nói, nhưng trường không đáp ứng được nên “mất trắng” giải HS giỏi quốc gia môn tiếng Anh. Năm học 2014-2015, khởi sắc hơn khi có 1 HS đoạt giải khuyến khích kỳ thi HS cấp Quốc gia môn tiếng Anh.
Phương Lý
(Còn nữa)